Mỹ-Ấn Độ xây quan hệ đối tác mang tính toàn cầu

Phát biểu sau hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Mỹ khẳng định quan hệ giữa 2 nước là quan hệ đối tác mới mang tính toàn cầu.
Trưa 8/11, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Nhà khách Chính phủ ở thủ đô New Delhi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thăm chính thức Ấn Độ, khẳng định quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác mới mang tính toàn cầu.

Trong Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Singh, hai bên khẳng định tăng cường quan hệ hợp tác bình đẳng giữa hai nước trong các lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, quốc phòng, năng lượng hạt nhân, chống biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác; khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn Độ là cực kỳ quan trọng trong việc định hình thế giới trong thế kỷ 21; hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn khủng bố.

Đề cập vấn đề bảo hộ mậu dịch, hai nhà lãnh đạo khẳng định đây là mối nguy hiểm gây tác hại đối với cả hai nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ… Hai bên cũng thỏa thuận thành lập một Trung tâm nghiên cứu an toàn hạt nhân tại Ấn Độ.

Tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Singh hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ các quy định cấm xuất khẩu công nghệ cao và công nghệ lưỡng dụng đối với Ấn Độ; khẳng định Ấn Độ ủng hộ Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục, phát triển công nghệ cao, giúp kinh tế tăng trưởng và giảm tình trạng nghèo đói ở nước này.

Về phần mình, Tổng thống Obama ca ngợi Ấn Độ không phải là một nền kinh tế đang nổi, mà là một cường quốc đã nổi và có vai trò then chốt trên trường quốc tế.

Ông cam kết thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nông nghiệp, tài chính…, đồng thời nhấn mạnh các hiệp định hợp tác trị giá 10 tỷ USD vừa ký tại thành phố Mumbai của Ấn Độ là rất quan trọng.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về lập trường của Mỹ đối với Pakistan, ông Obama khẳng định quốc gia Nam Á này có tầm quan trọng chiến lược, không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với Ấn Độ và toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống khủng bố. Ấn Độ sẽ rất có lợi, khi có nước láng giềng ổn định và thịnh vượng.

Đề cập vấn đề Kashmir, Tổng thống Obama nhấn mạnh Ấn Độ và Pakistan cần tìm kiếm biện pháp giải quyết việc tranh chấp ở khu vực này, Mỹ sẵn sàng đóng vai trò giúp mang lại hòa bình, song không áp đặt giải pháp cho hai nước. Ông đánh giá cao việc Thủ tướng Singh chân thành và kiên trì trong các nỗ lực nhằm đem lại giải pháp hòa bình cho vấn đề Casơmia.

Về phần mình, Thủ tướng Singh cam kết Ấn Độ can dự với Pakistan, song nhấn mạnh Pakistan cần phải từ bỏ khủng bố để chuyển sang đối thoại hòa bình.

Chiều cùng ngày, sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ như Phó Tổng thống Hamid Ansari, bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại lãnh đạo Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền và bà Sushma Swaraj, Chủ tịch đoàn các nghị sĩ thuộc Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập trong hạ nghị viện, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ.

Tối cùng ngày, ông Obama cùng phu nhân sẽ dự tiệc chiêu đãi tại Dinh Tổng thống, do Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil chủ trì.

Dự kiến, sáng 9/11, Tổng thống Obama rời New Delhi, kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, lên đường đi thăm Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục