Quan hệ có phần rạn nứt giữa Mỹ và Ấn Độ sau vụ Washington bắt giữ một quan chức ngoại giao của New Delhi cuối năm ngoái đã thêm một nấc thang căng thẳng mới sau khi Mỹ chính thức đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới can thiệp để buộc Ấn Độ phải mở cửa lĩnh vực khai thác năng lượng mặt trời của nước này.
Phát biểu với báo giới ngày 10/2, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết nước này đã đề xuất các cuộc thương lượng với Ấn Độ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới về việc New Delhi phải xóa bỏ yêu cầu bắt buộc phải sử dụng thiết bị và công nghệ nội địa trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Theo quan chức thương mại Mỹ, những quy định hiện hành của Ấn Độ là sự phân biệt đối xử và đi ngược lại quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Vì vậy, chính giới Mỹ phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các công nhân và doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, ông nhấn mạnh những quy định bắt buộc này ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực phát triển và khai thác năng lượng sạch, cũng như khiến chi phí cho các dự án năng lượng mặt trời của Ấn Độ lên cao.
Đánh giá về nguy cơ động thái này tác động xấu tới quan hệ song phương, Đại diện Thương mại Fromen khẳng định chính quyền Obama coi đây là một phần trong nỗ lực làm ''chín muồi thêm'' quan hệ thương mại giữa hai nước và không làm chệch hướng sự hợp tác giữa hai nước.
Theo ông, Washington luôn đề cao tầm quan trọng của quan hệ với New Delhi.
Theo quy định, khi xảy ra tranh chấp hay tranh cãi thương mại giữa các nước thành viên, Tổ chức Thương mại thế giới sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương để tìm giải pháp cùng chấp nhận được cho mỗi bên, cụ thể trong trường hợp này giữa Mỹ và Ấn Độ.
Nếu trong vòng 30 ngày tiến trình này không đạt kết quả, Mỹ có thể đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới thành lập một hội đồng phân xử.
Đây là lần thứ hai Mỹ tham vấn Tổ chức Thương mại thế giới để giải quyết những bất đồng liên quan tới chương trình phát triển năng lượng mặt trời của Ấn Độ.
Trước đó, các nhóm bảo vệ môi trường đã lên án việc Mỹ khởi kiện Ấn Độ hồi tháng Hai năm ngoái với lập luận rằng lĩnh vực khai thác năng lượng mặt trời bùng nổ tại cường quốc châu Á này đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong vụ này, Mỹ đã không kiện tới cùng với hy vọng New Delhi sẽ giải quyết những quan ngại của Washington trong giai đoạn hai của chương trình năng lượng mặt trời.
Ấn Độ hiện là thị trường lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, về các thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Mỹ, ước tính tạo khoảng 12.000 việc làm.
Trước đó, Mỹ cũng đã đưa Trung Quốc vào tầm ngắm với cáo buộc nước này trợ giá các hoạt động lĩnh vực công nghệ xanh và bán phá giá một số loại tấm năng lượng mặt trời vào thị trường Mỹ.
Với mục tiêu vào năm 2022 đạt 20.000 megawatt điện năng từ năng lượng mặt trời, Ấn Độ là một trong những nước đặt ra những mục tiêu tham vọng nhất thế giới cho các chương trình phát triển năng lượng tái sinh, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, hiện con số này mới chỉ dừng ở 2.000 megawatt./.