Ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết kinh tế Mỹ trong quý 1/2021 tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng quý đầu năm cao nhất kể từ năm 1984.
Số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Lực đẩy từ chi tiêu tiêu dùng và gói hỗ trợ của chính phủ là những yếu tố khiến kinh tế Mỹ phục hồi nhanh sau khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm.
Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia Mỹ cũng công bố số liệu cho biết số người ký hợp đồng mua nhà gia tăng trong tháng Ba, cho thấy thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh hơn khi mùa Hè đến gần.
[Chính sách thương mại của ông Biden và ông Trump không có khác biệt?]
Các nhà kinh tế nhận định việc mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine, yếu tố giúp giảm các ca mắc COVID-19, hoạt động mở cửa trở lại của nhiều doanh nghiệp, gói viện trợ liên bang và tốc độ tạo việc làm sẽ giúp duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế.
Dự kiến kinh tế Mỹ năm 2021 tăng trưởng khoảng 7%, mức cao nhất kể từ năm 1984.
Quý 2 năm ngoái, kinh tế Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục, với GDP giảm 31%, sau khi tất cả doanh nghiệp phải đóng cửa từ tháng 3/2020 do dịch COVID-19.
Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã gia tăng chi tiêu, theo đó chi tiêu cho hàng hóa trong quý 1 tăng gần 24% trong khi chi tiêu cho dịch vụ chỉ tăng dưới 5%.
Dự kiến sự chênh lệch này có thể sẽ thay đổi khi nhiều nhà hàng và địa điểm giải trí mở cửa trở lại và người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ giải trí.
Tháng Ba vừa qua, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 916.000 việc làm - đợt tuyển dụng lớn nhất kể từ tháng 8/2020.
Trong khi đó, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất gia tăng và niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Gregory Daco, nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định tất cả động lực của nền kinh tế đều tăng trưởng.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý đà phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, khi nhiều người mất việc làm do đại dịch COVID-19 và quá trình phục hồi vẫn không đồng đều.
Hiện vẫn còn hơn 8 triệu người mất việc làm do đại dịch COVID-19. Trong khi nhiều người có thể làm việc tại nhà, tích lũy tiền tiết kiệm và mở rộng khối tài sản nhờ giá nhà tăng cao và thị trường chứng khoán lập kỷ lục, những người lao động lương thấp, thuộc nhóm các cộng đồng thiểu số và không có trình độ đại học lại mất việc làm và nguồn thu nhập./.