Ngày 30/10, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đang cân nhắc khả năng miễn trừ trừng phạt đối với một số nước đang mua dầu mỏ của Iran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết mặc dù Mỹ đặt mục tiêu là các nước không mua dầu của Iran "càng nhanh càng tốt" và "quyết tâm thực thi chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran," nhưng Washington sẵn sàng hợp tác với các nước đang giảm bớt việc nhập khẩu (dầu mỏ của Iran) và sẽ xét từng trường hợp cụ thể.
Ông nhấn mạnh giới chức Mỹ hiện đang trong tiến trình xem xét việc miễn trừ trừng phạt đáng kể đối với từng nước cụ thể.
Trước đó, cùng ngày, truyền thông Hàn Quốc, một trong những nước mua dầu mỏ Iran nhiều nhất tại châu Á, đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị Mỹ cấp một cơ chế "linh hoạt tối đa" để tránh cho các công ty nước này bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
[Lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng]
Từ tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tăng cường các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) cùng với tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này cũng như những quốc gia khác có liên hệ kinh tế với Iran.
Một phần trong số những lệnh trừng phạt này nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác đã được áp đặt trở lại cách đây hai tháng.
Những lệnh trừng phạt còn lại sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran.
Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để bác bỏ tính hợp pháp của Chính phủ Iran và hối thúc các quốc gia khác cô lập nước này.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 4/11 tới là hạn chót để các nhà nhập khẩu dầu thế giới chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Washington.
Các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn mong muốn giữ vững thỏa thuận trên và sẽ sớm khởi động một cơ chế cho phép các doanh nghiệp "né" các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách sử dụng một bên trung gian của Liên minh châu Âu (EU) trong các giao dịch thương mại với Iran./.