Mỹ: Đề xuất tài khóa chưa tạo đột phá về việc làm

Theo các chuyên gia, khoản thâm hụt ngân sách trong đề xuất tài khóa của ông Obama khiến chính phủ khó tăng chi tiêu tạo việc làm.
Theo các nhà phân tích, khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ có trong đề xuất ngân sách tài khoá 2010-2011 của Tổng thống Barack Obama tạo ra "sự kìm kẹp tài chính", khiến Chính phủ Mỹ khó tăng chi tiêu để tạo việc làm mà không gây tác động phụ nghiêm trọng.

Ngày 1/2, Tổng thống Obama đã đề xuất lên Quốc hội kế hoạch ngân sách trị giá 3.800 tỷ USD cho tài khóa 2010-2011 bắt đầu từ 1/10 tới, trong đó kêu gọi chi thêm 100 tỷ USD để giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức hai con số và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế nói rằng nỗ lực mới có thể chỉ tác động rất nhỏ tới tạo việc làm, trong khi chính phủ không thể chi tiêu nhiều hơn mà không đẩy tình hình tài chính quốc gia vào tình thế nguy hiểm.

Nhà kinh tế Sung Won Sohn từ Trường California State University cho rằng nước Mỹ đang bị đặt vào tình thế nguy hiểm về tài chính. Nếu chính phủ đưa thêm các biện pháp kích thích, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Đề xuất ngân sách của ông Obama dự tính thâm hụt ngân sách liên bang sẽ được thu hẹp xuống 1.270 tỷ USD, chiếm 8,3% GDP, mức có thể làm tăng gấp đôi nợ công của liên bang lên 15.686 tỷ USD trong vòng 7 năm.

Các nhà phân tích cho rằng nợ nần khổng lồ và chi tiêu của chính phủ là cách làm chậm lại tăng trưởng khiến sự phục hồi kinh tế trong thời hạn dài hơn thêm khó khăn.

Ông Joel Naroff từ Naroff Economic Advisors cho rằng cắt giảm thâm hụt và tạo việc làm mới là hai mục tiêu đầy mâu thuẫn vào thời điểm này của chu kỳ kinh tế. Thậm chí cả khi tạo được việc làm mới, đề xuất ngân sách cũng chỉ dự báo thất nghiệp trung bình giảm nhẹ xuống 9,2% GDP vào năm 2011 và 8,2% GDP năm 2012 sau khi ở mức 10% năm nay.

Cary Leahey, nhà kinh tế cao cấp thuộc công ty nghiên cứu Decision Economics, nói rằng các biện pháp mà ông Obama có thể sẽ giúp tạo thêm việc làm nhờ chương trình tín dụng thuế dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vào thời điểm này vẫn khó đánh giá hiệu quả của gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD hoặc các đề xuất hiện nay trong việc kiến tạo việc làm bởi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10% sau khi chính phủ đã chi tới 300 tỷ USD kích thích kinh tế.

Cho dù các nhà kinh tế hy vọng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm dần nhờ các doanh nghiệp lấy lại lòng tin để thuê nhân công, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu người tiêu dùng có đủ niềm tin để mở hầu bao hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục