Mỹ bị hạ mức tín nhiệm

Mỹ đối mặt nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm

Standard & Poor's hạ mức tín nhiệm của Mỹ, còn Fitch và Moody's đều đặt nền kinh tế số một thế giới vào diện triển vọng tiêu cực.
Các cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế cảnh báo Mỹ có thể sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm nếu trong năm nay, chính phủ không đề ra được một kế hoạch đáng tin cậy để giảm thâm hụt ngân sách liên bang.

Lời cảnh báo được đưa ra trong lúc ngày càng nhiều người dự đoán rằng các quyết định liên quan đến thuế và chi tiêu ngân sách chính phủ của Mỹ sẽ được lùi sang năm 2013 vì các nhà lập pháp sẽ không có thời gian để giải quyết các việc này trong thời gian ngắn ngủi từ sau bầu cử tổng thống vào tháng 11 đến hết năm nay.

Việc lùi thời hạn này không hẳn sẽ dẫn đến việc bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, nhưng các hãng định giá tín dụng cho rằng Washington cần một kế hoạch thực sự để giảm mức nợ công hiện đang ngày càng phình to nếu muốn tránh việc bị hạ điểm trong tương lai.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ ngày 25/5, giới quan sát nhận định khó có thể có bất cứ quyết định nào liên quan đến vấn đề nợ công được đưa ra trước cuộc bầu cử tháng 11, vì cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang xây dựng chiến dịch của họ dựa trên các khác biệt về thuế và chi tiêu ngân sách.

Thay vào đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải chờ sau bầu cử mới quyết định có nâng mức trần nợ công và kéo dài chương trình giảm thuế hay không. Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại hơn khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner mới đây đã tái khẳng định rằng các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không nâng mức nợ trần một lần nữa.

Trong ba hãng đánh giá tín dụng lớn hiện chỉ có Standard & Poor's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, còn Fitch và Moody's đều đã đặt nền kinh tế số một thế giới vào diện triển vọng tiêu cực, tức là có thể sẽ bị hạ điểm trong tương lai nếu không có thay đổi. Fitch coi 2013 là năm hết sức quan trọng để Washington có hành động với vấn đề nợ và hãng này sẽ chờ đến cuối năm 2013 mới có quyết định hạ điểm hay không, dựa trên hành động của Nhà Trắng sau bầu cử.

Ông Steve Bell, giám đốc cao cấp phụ trách chính sách kinh tế của Trung tâm Chính sách Lưỡng Đảng, cho rằng nếu Quốc hội Mỹ không đề ra một tiến trình để đảm bảo rằng vấn đề sẽ được giải quyết thực sự thì khó tránh khỏi nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm. Ông nêu rõ "các thị trường trên khắp thế giới đang theo dõi sát hành động của Chính phủ Mỹ."

Các cơ quan đánh giá tín dụng hiện đang phải chịu sức ép lớn về vấn đề đánh giá tín dụng của Mỹ. Uy tín của các hãng này từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua khi họ cho điểm tốt với các sản phẩm tài chính mà sau đó đã chứng tỏ là không có giá trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục