Mỹ, Đức tin tưởng vào chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Bà Merkel nhấn mạnh rằng châu Âu và Mỹ có "rất nhiều việc để làm" và rằng nước Đức đã sẵn sàng cho một chương mới trong mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
Mỹ, Đức tin tưởng vào chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương ảnh 1Lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp tham gia hội nghị trực tuyến. (Nguồn: securityconference.org)

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức đã sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Bà Merkel đưa ra tuyên bố trên nhằm hưởng ứng phát biểu trước đó của Tổng thống Joe Biden về tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong bài phát biểu của mình, bà Merkel nhấn mạnh rằng châu Âu và Mỹ có "rất nhiều việc để làm" và rằng nước Đức đã sẵn sàng cho một chương mới trong mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ cần có một nghị trình rõ ràng cũng như một cách tiếp cận chung trong các vấn đề quốc tế trên cơ sở đối thoại cởi mở, tôn trọng các giá trị, sự khác biệt và phải có niềm tin về một nền tảng chung tốt đẹp.

Cũng tại hội nghị, nhà lãnh đạo Đức đã đề cập tới quan hệ với Nga và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Ukraine, cũng như các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học.

Bà Merkel ủng hộ việc củng cố các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Về việc tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19, Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần tiến hành tiêm chủng đồng bộ và nhanh chóng trên toàn thế giới để đạt được độ an toàn cao hơn.

[Liên minh Âu-Mỹ: Bước đột phá hay sẽ lại tiếp nối di sản?]

Bà tái khẳng định sự ủng hộ đối với sáng kiến vắcxin toàn cầu COVAX nhằm mở ra khả năng tiếp cận vắcxin cho các nước nghèo.

Bên cạnh cuộc chiến chống COVID-19, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh cần có cách tiếp cận chung trong vấn đề bảo vệ khí hậu và chống khủng bố, đồng thời khẳng định cam kết của Đức đối với chủ nghĩa đa phương. Bà hoan nghênh việc Mỹ quay trở lại với các thỏa thuận đa phương như tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Iran.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu được châu Âu kỳ vọng về việc củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông Biden là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich và đã mở đầu bài phát biểu của mình với cam kết “nước Mỹ trở lại”, “liên minh xuyên Đại Tây Dương trở lại”. Ông khẳng định quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là "nền tảng" trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác châu Âu cũng như với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng theo nhà lãnh đạo thứ 46 của nước Mỹ, sau 4 năm khó khăn vừa qua, hai bên cần học lại cách tin tưởng nhau một lần nữa và chính quyền Mỹ sẽ đảo ngược một số quyết định của chính phủ tiền nhiệm, trong đó có việc rút một phần binh sỹ Mỹ khỏi nước Đức. Ngoài ra, ông Biden cũng đề cập đến những tác động của đại dịch COVID-19 vốn đang đẩy thế giới rơi vào cảnh hỗn loạn và đe dọa các nền dân chủ. Ông nhấn mạnh chỉ thông qua hợp tác toàn cầu, các thách thức - trong đó có cuộc chiến chống biển đổi khí hậu - mới có thể được giải quyết và đảm bảo được các giá trị cũng như sự thịnh vượng chung.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh châu Âu và Mỹ cần chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đi đến nhất trí về một khuôn khổ mới cho thị trường kỹ thuật số nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn. Theo bà von der Leyen, cần phải đẩy mạnh cuộc chiến chống thù hận trên không gian mạng vì bạo lực kỹ thuật số cũng có thể biến thành bạo lực trong đời thực. Để giải quyết vấn đề này, bà von der Leyen tin tưởng EU và Mỹ có thể hợp tác thông qua một "bộ quy tắc kỹ thuật số" có giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập đến sự khác biệt giữa châu Âu và Mỹ, cũng như tính cấp thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc cần xây dựng một "chương trình nghị sự mới trong vấn đề an ninh" với châu Âu gánh phần trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề quốc phòng để đạt được mức độ tự chủ chiến lược nhất định.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi các nước công nghiệp cần hợp tác cung cấp 13 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 cho châu Phi nhằm bảo vệ lực lượng nhân viên y tế của lục địa Đen.

Hội nghị An ninh Munich là một trong những hội nghị quan trọng nhất thế giới về chính sách an ninh và quốc phòng, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà chính trị và chuyên gia nổi tiếng trên toàn thế giới để trao đổi ý kiến và điều phối quan điểm về những vấn đề quốc tế cấp bách trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục