Ngày 25/4, chính quyền thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ đã đạt được thỏa thuận bồi thường 6 triệu USD cho gia đình Tamir Rice, cậu bé gốc Phi 12 tuổi bị cảnh sát bắn chết vì tưởng nhầm cầm súng thật đe dọa người đi đường hồi tháng 11/2014.
Theo các điều khoản trong thỏa thuận do Tòa án Quận ở bang Ohio công bố, khoản tiền bồi thường trên sẽ được trả hai lần 3 triệu USD trong năm 2016 và số còn lại trong năm tiếp theo.
Cũng theo thỏa thuận giữa chính quyền thành phố và gia đình Tamir Rice, chính quyền Cleveland không thừa nhận bất kỳ hành động phạm pháp nào của giới chức an ninh. Văn kiện này sẽ được đưa ra một phiên tòa xử về thủ tục di chúc để thông qua nhằm đảm bảo chính quyền thành phố sẽ không bị xét xử về liên quan đến luật nhân quyền liên bang.
Thị trưởng thành phố Frank Jackson bày tỏ sự cảm thông và khẳng định không một cái giá nào có thể đưa ra cho việc một đứa trẻ bị tước mất sự sống ở tuổi 12. Phát biểu với báo giới, nhóm luật sư đại diện cho gia đình cậu bé Rice cũng khẳng định không số tiền nào có thể bù đắp cho sự mất mát của gia đình nạn nhân đồng thời lên án hành động bạo lực của cảnh sát, đặc biệt tại các cộng đồng da màu.
Vụ việc xảy ra hồi tháng 11/2014, đoạn video ghi lại vụ việc trên cho thấy cảnh sát tuần tra Timothy Loehmann bắn chết cậu bé Tamir Rice chỉ vài giây sau khi tới hiện trường trên chiếc xe tuần tra.
Viên cảnh sát này được điều đến hiện trường sau khi một người gọi điện thoại báo rằng có một thiếu niên đang cầm một khẩu súng. Các nhà điều tra sau đó xác nhận khẩu súng của Rice là một khẩu súng lục giả bắn đạn nhựa.
Họ cũng phát hiện rằng dấu hiệu màu cam giúp xác định khẩu súng là giả đã bị tháo bỏ. Trợ lý công tố viên Matthew Meyer cho biết Rice được nhìn thấy nhiều lần rút súng từ thắt lưng ra rồi nhét trở lại vài giờ trước xảy ra vụ đối đầu với với cảnh sát.
Hội thẩm đoàn thành phố Cleveland sau đó đã nhất trí không truy tố viên cảnh sát da trắng này cũng như người lái xe cảnh sát Frank Garmback.
Cái chết của Rice là một trong hàng loạt vụ cảnh sát làm thiệt mạng người Mỹ gốc Phi trong những năm qua, thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và gây ra làn sóng biểu tình trên toàn nước Mỹ phản đối sự lạm quyền của cảnh sát./.