Mỹ giải thích cho đồng minh EU về bê bối nghe lén

Washington tuyên bố sẽ giải thích về bài báo trên tờ Der Spiegel của Đức cho rằng Mỹ đang tiến hành do thám các đồng minh châu Âu.
Chính phủ Mỹ ngày 30/6 tuyên bố sẽ thông qua các kênh ngoại giao giải đáp với Liên minh châu Âu (EU) về cáo buộc mạng lưới tình báo của Washington cài thiết bị theo dõi tại các văn phòng của các đối tác châu Âu.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi các quan chức EU sốc và bày tỏ tức giận trước thông tin nhạy cảm trên được tuần báo Tấm Gương (Der Spiegel) của Đức công bố trước đó.

Trong một thông cáo, người phát ngôn của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) cho biết Washington sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo EU về vấn đề nhạy cảm trên. Thông cáo cũng nêu rõ: Chính phủ Mỹ sẽ trả lời thỏa đáng các quan ngại của EU thông các kênh ngoại giao cũng như đối thoại giữa giới chức tình báo hai bên mà Washington đã đề xuất trước đó. Người phát ngôn này nêu rõ giới tình báo Mỹ chỉ thu thập các loại thông tin mà cơ quan tình báo các nước khác cũng thu thập.

Trong khi đó, giới chức EU tiếp tục phản ứng dữ dội trước thông tin gây chấn động này và lên tiếng yêu cầu Washington đưa ra lời giải thích. Họ cảnh báo vụ việc này sẽ cản trở tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU -Mỹ, vốn đang ở giai đoạn khởi đầu.

Ủy viên Tư pháp EU Viviane Reding nêu rõ tiến trình đàm phán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các cáo buộc trên là đúng. Đức gọi đây là "bóng ma" của Chiến tranh Lạnh, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu giới chức Mỹ nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc.

Trích dẫn một số thông tin tuyệt mật do cựu nhân viên kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, tuần báo Tấm gương cho biết Đức được xếp "thứ ba," thứ hạng cao nhất trong danh sách những nước nằm dưới sự giám sát của tình báo Mỹ với tổng cộng hơn 500 triệu cuộc điện thoại, thư điện tử và tin nhắn mỗi tháng.

Thông tin trên tiết lộ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hàng ngày theo dõi khoảng 20 triệu cuộc gọi và 10 triệu đường kết nối dữ liệu Internet tại Đức. Những con số này có thể tăng lên gấp 2 hoặc gấp 3 lần trong những tình huống khẩn cấp. Pháp cũng "lọt vào tầm ngắm" của NSA.

Các đặc vụ Mỹ không chỉ đã "cài rệp" tại các văn phòng của EU mà còn đột nhập vào hệ thống máy tính nội bộ của liên minh này để thu thập tin tức tình báo. Văn phòng đại diện của EU tại Liên hợp quốc ở New York cũng bị cài các thiết bị tương tự.

Dự kiến, Washington và Brussels sẽ khởi động các cuộc đàm phán FTA từ đầu tháng Bảy tới để mở ra một khu vực mậu dịch tự do trị giá hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, vụ bê bối nghe lén có thể sẽ phủ mây đen lên bàn đàm phán, đẩy lùi nỗ lực tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Một quan chức cấp cao ở Brussels cho rằng trước tiên cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ lâm vào sóng gió.

Trước đó, tờ Tấm Gương đăng tải thông tin cho rằng Mỹ đã cài đặt thiết bị theo dõi ở các văn phòng EU tại thủ đô Washington, thủ đô Brussels và tại Liên hợp quốc.

Ngay lập tức, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố rằng EU yêu cầu Mỹ giải trình về những thông tin trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục