Mỹ kêu gọi không can thiệp thị trường hối đoái

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhấn mạnh các nước G-20 cần tuân thủ cam kết không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ cạnh tranh.
Hối thúc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) không theo đuổi chính sách tiền tệ cạnh tranh sẽ là một nội dung chính trong chương trình của Mỹ tại cuộc họp G-20 diễn ra tuần này.

Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew trong bài phát biểu ngày 17/4 tại Đại học Washington.

Theo Bộ trưởng Jack Lew việc áp dụng chính sách tiền tệ cạnh tranh, hạ giá đồng nội tệ đồng nghĩa với gây tác động tiêu cực đối với các nước khác. Ông nhấn mạnh các nước G-20 cần tuân thủ cam kết không sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ cạnh tranh.

Tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện đang theo dõi sát sao hành động của các thành viên còn lại trong nhóm các nước công nghiệp (G-7), gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản, nhằm đảm bảo các nước này tuân thủ cam kết không can thiệp vào tỷ giá hối đoái, thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp với mục tiêu của mỗi nước thông qua các công cụ tài chính trong nước.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Jack Lew đưa ra trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ mới đây của Nhật Bản đã gây quan ngại, đặc biệt ở châu Âu, về cái gọi là "cuộc chiến tiền tệ" giữa các nước lớn khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách phá giá đồng tiền của nước mình nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Trong báo cáo công bố hai lần một năm về chính sách ngoại hối ngày 12/4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hiện vẫn đang được định giá quá thấp so với giá trị thực, đồng thời cảnh báo các nước Nhật Bản và Hàn Quốc không nên theo đó hạ giá đồng tiền nội địa để tác động tới tỷ giá hối đoái theo hướng có lợi cho mình.

Trong một bài phát biểu trước đó tại Đại học Johns Hopkins, Bộ trưởng Jack Lew khẳng định mặc dù hiện đang tập trung cho nỗ lực phục hồi nền kinh tế nội địa, Mỹ vẫn nhận thức rõ rằng nền kinh tế nước này gắn bó chặt chẽ với các điều kiện phục hồi kinh tế chung của thế giới. Tăng trưởng liên tục trong 14 quý và lĩnh vực tư nhân tạo thêm được 6,5 triệu việc làm trong 37 tháng qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi khả quan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục