Mỹ Latinh tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ

5 năm gần đây Mỹ Latinh tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ và theo các nhà phân tích sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ tiếp tục.
Mỹ Latinh tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ ảnh 1Nhà máy lọc dầu tại thành phố Anacortes của Mỹ. (Nguồn: Walter Siegmund)

Trong 5 năm gần đây Mỹ Latinh đã tăng gấp đôi nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ, thế nhưng theo các nhà phân tích sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ tiếp tục tăng bất chấp khu vực này sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ.

Trong thập kỷ qua, Mỹ Latinh tìm cách tăng cường giao thương với châu Á - đối với một số nước, chính sách này nằm trong chủ trương tránh lệ thuộc vào Mỹ - thế nhưng phần lớn các quốc gia tại khu vực trên vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu từ Mỹ. Ngược lại, Mỹ giảm nhập dầu thô từ Mỹ Latinh, vì sản xuất trong nước tăng.

Theo số liệu của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong năm nay, 12 nước Mỹ Latinh nhập nhiều nhiên liệu nhất đã mua của Mỹ bình quân mỗi ngày 1,36 triệu thùng, nhiều hơn 2 lần so với 657.000 thùng/ngày trong năm 2008. Riêng nhập khẩu xăng ở mức 225.000 thùng/ngày. Mexico, Chile, Colombia, Brazil và Venezuela chiếm gần 60% xuất khẩu xăng của Mỹ.

Ngược lại, xuất khẩu dầu thô sang Mỹ của Mexico, Venezuela, Ecuador, Brazil, Argentina và Peru - các nước sản xuất dầu mỏ quan trọng nhất tại Mỹ Latinh - giảm 18,6% trong 5 năm qua, xuống 2,4 triệu thùng/ngày. Chỉ có Colombia tăng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là Mỹ Latinh sở hữu các cơ sở lọc dầu lạc hậu và công suất thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu như xăng và diesel lại gia tăng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất điện và cung ứng nhiên liệu cho các phương tiện giao thông.

Năm ngoái, 12 nước nhập nhiều nhiên liệu tại Mỹ Latinh đã nhập của Mỹ các sản phẩm trị giá 65 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước đó, cao hơn tỷ lệ 3,4% trong năm 2008.

Theo dự báo của một số tổ chức quốc tế, nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ Latinh sẽ tăng lên 9-10 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Phần lớn nhu cầu gia tăng sẽ được đáp ứng thông qua nhập khẩu, nếu các dự án lọc dầu lớn tại khu vực này tiếp tục bị đình trệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục