Mỹ lo ngại về giấy phép nhập khẩu sản phẩm công nghệ mới của Ấn Độ

Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ các bên liên quan cần có cơ hội xem xét để đảm bảo các quy định về nhập khẩu, nếu được thực thi, sẽ không có tác động bất lợi đến hàng xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ.
Mỹ lo ngại về giấy phép nhập khẩu sản phẩm công nghệ mới của Ấn Độ ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu tại Detroit, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã bày tỏ quan ngại về quy định mới của Ấn Độ yêu cầu cấp giấy phép cho các mặt hàng máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân nhập khẩu.

Bộ Thương mại Mỹ, ngày 27/8, trích dẫn tuyên bố của bà Tai, nêu rõ các bên liên quan cần có cơ hội xem xét và cung cấp đầu vào, để đảm bảo rằng chính sách này, nếu được thực thi, sẽ không có tác động bất lợi đến hàng xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ.

Quy định mới của Ấn Độ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11, nhằm mục đích "đảm bảo rằng các hệ thống và phần cứng (máy tính)” sẽ được nhập khẩu vào quốc gia này.

Ngoài ra, theo một quan chức chính phủ Ấn Độ, quy định cũng hướng tới việc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và giải quyết một phần tình trạng mất cân bằng thương mại của nước này với Trung Quốc.

Ngày 26/8, bà Tai đã gặp Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal, bên lề cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại bang Rajasthan của Ấn Độ.

[Mỹ dự định đề xuất dự luật cấm công nghệ nước ngoài như TikTok]

Phát biểu của bà Tai được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại cho rằng yêu cầu cấp phép mới của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến các lô hàng xuất khẩu từ các hãng công nghệ Apple và Dell của Mỹ, buộc các công ty phải tăng cường sản xuất tại Ấn Độ.

Cũng trong thông báo nói trên, Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này và Ấn Độ sẽ tiếp tục thảo luận, để tìm giải pháp cho tranh chấp song phương duy nhất giữa hai quốc gia tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), liên quan đến các quy định của New Delhi đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu vào nước này.

Sáu tranh chấp khác đã được hai bên giải quyết vào đầu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục