Mỹ lo việc mua trái phiếu làm tăng tỷ lệ lạm phát

Giới chức FED lo ngại các chương trình mua trái phiếu có thể làm gia tăng tỷ lệ lạm phát và tác động đến sự ổn định tài chính.
Đang xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại trong giới chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) xung quanh các chương trình mua trái phiếu được nhất trí thực hiện từ giai đoạn đầu khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các nhà hoạch định chính sách FED lo ngại rằng các chương trình này cũng như chính sách tiền tệ lỏng lẻo của thể chế này có thể làm gia tăng tỷ lệ lạm phát và tác động đến sự ổn định tài chính trong tương lai.

Theo biên bản cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra hồi cuối tháng Một vừa qua của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, công bố ngày 20/2, nhiều quan chức FED đã bày tỏ lo ngại về chi phí cũng như các nguy cơ gia tăng từ việc mua thêm tài sản, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE), đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Các quan chức cho rằng việc thu mua thêm trái phiếu dài hạn có thể khiến các kế hoạch điều chỉnh chính sách của FED thêm "rắc rối", làm tăng nguy cơ lạm phát và thúc đẩy hoạt động của thị trường gây hại đến sự ổn định tài chính.

Theo họ, ủy ban hoạch định chính sách của FED nên giảm bớt hoặc dừng các chương trình mua trái phiếu trước khi thị trường việc làm được cải thiện.

Trong khi đó, một số quan chức FED lại đánh giá cao việc mua thêm tài sản của thể chế tài chính này, cho rằng các chương trình mua trái phiếu đã phát huy tác dụng trong việc nới lỏng các điều kiện tài chính và giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cũng có một số khác bày tỏ lo ngại về các tác động của việc mua thêm trái phiếu đối với hoạt động của các thị trường tài chính.

Từ năm 2008, FED bắt đầu tung ra 3 chương trình thu mua trái phiếu dài hạn của chính phủ, được gọi là QE1, QE2 và QE3, để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế và tạo công ăn việc làm. Đến nay, thể chế tài chính này đã hoàn thành 2 chương trình mua trái phiếu đầu tiên, qua đó mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu dài hạn từ Bộ Tài chính Mỹ.

Sau khi FED công bố báo cáo, chứng khoán Mỹ đã để tuột mất đà tăng mạnh trong phiên trước để rồi quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 20/2. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 108,13 điểm, tương đương 0,77%, đóng cửa ở mức 13.927,54 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 18,99 điểm (1,24%) xuống 1.511,95 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 49,18 điểm (1,53%) xuống 3,164.41 điểm.

Ngay từ đầu hầu hết các chỉ số chứng khoán Phố Uôn (Wall Street) đều khai phiên với "sắc đỏ", trái ngược với diễn biến tích cực của phiên trước đó, do tâm lý của giới đầu tư bị tác động bởi các số liệu trái chiều về thị trường nhà đất và chỉ số giá bán buôn.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, số nhà mới khởi công tại nước này trong tháng 1/2013 chỉ đạt mức 890.000 căn, giảm 8,5% so với tháng trước đó. Mức suy giảm này đã được dự đoán từ trước song số nhà xây mới trong tháng 1 vừa qua vẫn thấp hơn mức ước tính của giới phân tích là 914.000 căn và cao hơn mức trung bình của năm 2012 là 780 căn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục