Bộ trưởng quốc phòng Ahmad Vahidi phát biểu ngày 29/1 trên truyền hình nhà nước rằng Iran đã có bước tiến lớn trong kế hoạch đưa các phi hành gia lên vũ trụ vào năm 2020 sau khi đưa thành công một con khỉ ra khỏi bầu khí quyển trái đất. Tuy nhiên, Mỹ nói nếu vụ phóng thành công là sự thật, thì Iran có thể đã vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm nước này tiến hành các hoạt động liên quan tới công nghệ tên lửa đạn đạo. Kênh truyền hình tiếng Arập Al-Alam và các hãng tin khác ở Iran nói con khỉ trở về trái đất vẫn còn sống vào ngày 28/1 sau khi du hành trong một khoang chứa ở độ cao 120 km trong một chuyến bay ra khỏi bầu khí quyển. “Thành công này là bước đầu tiên tiến tới việc đưa con người lên vũ trụ và mở đường cho những bước đi khác,” tướng Vahidi nói, nhưng cho biết thêm sẽ còn mất nhiều thời gian để Iran có thể đưa con người lên vũ trụ. “Vụ phóng thử ngày hôm nay diễn ra sau những thành công trước đó khi chúng tôi đưa các sinh vật sống vào vũ trụ.” Trước đó, Iran từng đưa chuột, rùa và sâu lên vũ trụ. “Con khỉ trong khoang tàu đã về mặt đất an toàn và còn sống, đây là một bước tiến lớn với các chuyên gia và nhà khoa học của chúng tôi,” Vahidi nói. Truyền hình Iran đã chiếu các bức ảnh về khoang tàu vũ trụ này và một con khỉ được đưa ra khỏi khoang. Năm 2011, Iran từng cố gắng đưa khỉ lên vũ trụ, nhưng thất bại. Lúc đó nước này không đưa ra lời giải thích nào. Bộ quốc phòng Iran lần này cũng không công bố thời gian và địa điểm của vụ phóng tàu vũ trụ. Vào giữa tháng Giêng, Tehran từng tuyên bố dự định đưa khỉ lên quỹ đạo trong chương trình nghiên cứu không gian của họ, với mục tiêu đưa con người vào vũ trụ năm 2020. Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad từng vài lần bày tỏ ý định đưa một nhà du hành vào vũ trụ và tháng 10/2011, thứ trưởng khoa học nước này, Mohammad Mehdinejad-Nouri, nói đó là một “ưu tiên chiến lược” với Iran.
Mỹ nghi ngờ kế hoạch đưa khỉ lên vũ trụ của Iran để che đậy việc phát triển tên lửa đạn đạo (Nguồn: AFP)
Tại Washington, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói bà không thể xác nhận là vụ phóng thử đã diễn ra hay chưa. Nhưng bà nói: “Quan ngại của chúng tôi với việc phát triển các công nghệ phóng vật thể vào vũ trụ của Iran là điều nhiều người biết. Bất cứ phương tiện nào có thể mang theo các vật thể vào quỹ đạo có liên quan trực tiếp tới công nghệ tên lửa hạt nhân tầm xa… chúng khá giống nhau và có thể thay thế cho nhau.” Nghị quyết 1929 của Liên Hợp Quốc cấm Iran thực hiện các thử nghiệm như vậy, theo bà Nuland. Tehran đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của phương tây và nói chương trình hạt nhân và không gian của họ là vì mục đích hòa bình. Những lần phóng vệ tinh trước đó của Iran, vệ tinh Omid vào tháng 2-2009, Rassad vào tháng 6-2011 và Navid vào tháng 2-2012, đều bị phương tây lên án. Giữa tháng 5 năm ngoái, Tehran từng tuyên bố dự định phóng vệ tinh quan sát Fajr, nhưng rồi lại không phóng nữa và không giải thích cho điều này.
Trần Trọng (Vietnam+)