Việc Mỹ áp dụng các biện pháp khuyến khích tiêu thụ nhiên liệu thân thiện với môi trường đã tạo ra một thị trường mới cho dầu ăn đã qua sử dụng (UCO) của Trung Quốc.
Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy thị trường này trị giá gần 390 triệu USD trong 12 tháng qua và đang tăng trưởng nhanh.
Dầu ăn đã qua sử dụng có thể được tinh chế thành nhiên liệu như dầu diesel sinh học và nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), có thể pha trộn với nhiên liệu thông thường để giảm lượng khí thải CO2.
Đây cũng là nguyên liệu cho dầu diesel tái tạo, có tính chất hóa học tương đương diesel từ dầu mỏ.
Trung Quốc đã tăng xuất khẩu UCO sang Mỹ kể từ tháng 10/2022, tức là 2 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm thúc đẩy năng lượng sạch, bao gồm các khoản ưu đãi thuế để sản xuất SAF và tăng ưu đãi cho dầu diesel sinh học.
[Tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu máy bay]
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu UCO của Trung Quốc sang Mỹ đạt tổng cộng gần 384.000 tấn. Theo công ty theo dõi tàu Kpler, con số này chiếm khoảng 65% khối lượng nhập khẩu của Mỹ tính đến hết tháng 8.
Theo IRA, các nhà sản xuất dầu diesel sinh học được miễn thuế 1 USD cho mỗi gallon (3,7 lít). Các nhà sản xuất SAF được hưởng khoản miễn thuế mới lên tới 1,75 USD mỗi gallon và được ưu đãi hơn nữa đối với nhiên liệu đạt mức giảm carbon cao hơn 50%.
Tại Mỹ, dầu diesel tái tạo chủ yếu được sử dụng ở bang California vì bang này áp dụng Tiêu chuẩn Nhiên liệu carbon thấp (LCFS), cho phép các nhà sản xuất tạo ra các khoản tín dụng thương mại cho việc sử dụng nguyên liệu carbon thấp như UCO.
Các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc Sinopec và PetroChina, nằm trong số những công ty xuất khẩu UCO sang Mỹ.
Dầu ăn đã qua sử dụng có giá bằng 1/3 giá dầu thực vật chưa qua sử dụng và có hàm lượng carbon thấp hơn so với các nguyên liệu như dầu cọ hoặc dầu hạt cải.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne ở Mỹ, dầu diesel sinh học được sản xuất từ UCO có hàm lượng năng lượng thấp hơn một chút so với dầu diesel nhưng giảm tới 83% ô nhiễm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc là nhà sản xuất UCO lớn nhất thế giới, với khoảng 11,4 tỷ lít mỗi năm, nhưng do thiếu chính sách hỗ trợ trong nước nên việc sử dụng UCO ở nước này còn hạn chế.
Trong khi đó, tính đến tháng 2/2023, Mỹ có 72 nhà máy có thể sản xuất dầu diesel sinh học sử dụng nguyên liệu UCO. Nhờ các biện pháp khuyến khích năng lượng sạch, Mỹ đã thế chỗ khách hàng châu Âu trong việc mua UCO của Trung Quốc.
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu UCO của Trung Quốc sang châu Âu trong 8 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 56% so với cùng kỳ năm trước./.