Mỹ, Pháp hoan nghênh hàng viện trợ nhân đạo tới Nagorny-Karabakh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cao việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo. Mỹ và Pháp cũng đã lên tiếng kêu gọi Azerbaijan và Armenia tiếp tục các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.
Mỹ, Pháp hoan nghênh hàng viện trợ nhân đạo tới Nagorny-Karabakh ảnh 1Hàng viện trợ nhân đạo tới Nagorny-Karabakh. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 18/9, Mỹ và Pháp đã hoan nghênh việc hàng viện trợ đến được khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi Azerbaijan và Armenia tiếp tục các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - người chủ trì nhiều vòng đàm phán liên quan vấn đề này - đã đề cao việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo tới khu vực Nagorny-Karabakh.

Ông nhấn mạnh: "Việc chuyển giao các nguồn cung cấp thiết yếu này là bước tiến quan trọng và chúng tôi khuyến khích các bên tham gia đàm phán trực tiếp, với nội dung tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường nguồn cung viện trợ nhân đạo cho người dân trong khu vực."

Dự kiến, ông Blinken sẽ tổ chức vòng đàm phán mới giữa Azerbaijan và Armenia bên lề Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) trong tuần này.

[Hàng viện trợ của Nga được vận chuyển đến khu vực Nagorny-Karabakh]

Trong khi đó, trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho rằng: "Đây nên là bước đi đầu tiên hướng tới viện trợ nhân đạo vô điều kiện, không bị cản trở theo luật pháp quốc tế."

Trước đó cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) thông báo đã gửi lúa mì và các mặt hàng y tế thiết yếu tới khu vực Nagorny-Karabakh, thông qua Hành lang Lachin và tuyến đường Aghdam.

Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền ở Nagorny-Karabakh cho phép xe chở hàng viện trợ nhân đạo của Nga vào vùng lãnh thổ này theo tuyến đường trên trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Azerbaijan về việc mở cửa trở lại tuyến đường vốn bị đóng cửa từ năm 1988.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này.

Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng mà đỉnh điểm là xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Azerbaijan và Armenia đã tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được biện pháp lâu dài bất chấp các nỗ lực hòa giải của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục