Mỹ sẽ thành lập 31 trung tâm công nghệ mới nhằm thúc đẩy sáng tạo

Bộ Thương mại Mỹ đã tuyển chọn 31 trung tâm công nghệ từ 400 hồ sơ xin tài trợ theo chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ với tổng trị giá 500 triệu USD được công bố hồi tháng 5 vừa qua.
Mỹ sẽ thành lập 31 trung tâm công nghệ mới nhằm thúc đẩy sáng tạo ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại, Khoa học và Vận tải Thượng viện Mỹ tại Washington, DC, ngày 4/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/10, Chính phủ Mỹ đã công bố danh sách gồm 31 trung tâm công nghệ mà nước này sẽ thành lập trong kế hoạch đầu tư lớn.

Đây được xem là nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm củng cố sự ủng hộ của công chúng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào năm tới. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rõ các trung tâm này sẽ tạo ra việc làm, đồng thời tăng cường an ninh và kinh tế của nước này.

Không chỉ vậy, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ còn giúp củng cố thêm khả năng cạnh tranh của Mỹ.

Theo bà Raimondo, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận 400 hồ sơ xin tài trợ từ chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ với tổng trị giá 500 triệu USD, vốn được công bố hồi tháng 5 vừa qua.

Bà nêu rõ 31 trung tâm công nghệ này là kết quả của quá trình tuyển chọn từ 400 ứng cử viên trên nhằm nhận khoản tài trợ lên tới 75 triệu USD.

Khoản tài trợ này được trích từ nguồn ngân sách 10 tỷ USD giải ngân theo Đạo luật CHIPS và Khoa học (trị giá hơn 53 tỷ USD) triển khai hồi năm 2022 nhằm khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.

[Mỹ: Hơn 460 công ty muốn hưởng khoản trợ cấp theo Dự luật CHIPS]

Cụ thể, 31 trung tâm công nghệ sẽ được thành lập tại Oklahoma, Rhode Island, Massachusetts, Montana, Colorado, Illinois, Indiana, Wisconsin, Virginia, New Hampshire, Missouri, Kansas, Maryland, Alabama, Pennsylvania, Delaware, New Jersey, Minnesota, Louisiana, Idaho, Wyoming, South Carolina, Georgia, Florida, New York, Nevada, Missouri, Oregon, Vermont, Ohio, Maine, Washington và Puerto Rico.

Việc thành lập các trung tâm công nghệ được xem là một trong những kế hoạch nằm trong "Bidenomics" - chiến lược của Tổng thống Biden đầu tư rộng lớn nhằm khôi phục hoạt động sản xuất sau nhiều thập kỷ hoạt động này bị chuyển ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục