Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran?

Đợt tái cấm vận đầu tiên của Mỹ đối với Iran nhằm “thay đổi hành vi của Iran,” nhưng nói như Tổng thống Rouhani nếu một công ty rút khỏi một dự án thì sẽ có nước lập tức lấp vào chỗ trống.
Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran? ảnh 1Toàn cảnh lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền trung Iran, cách thủ đô Tehran 190km về phía tây nam ngày 26/8/2006. (Nguồn: Reuters /TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không cần đưa ra bất cứ điều kiện tiên quyết nào, các quan chức chính quyền đã không mổ xẻ, chỉ trích Tehran cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran, hay gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) do Obama bảo trợ.

Với quyết định của Trump rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5, đợt tái cấm vận đầu tiên của Mỹ đối với Iran đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 7/8.

Trước đó, ngày 6/8 một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên rằng “sau quyết định trên, các công ty lần lượt thông báo họ sẽ rời đi. Rõ ràng, sức ép đang có hiệu quả.”

Một quan chức cấp cao khác cho biết thêm, mục tiêu của “chiến dịch gây sức ép kinh tế” này là nhằm “ngăn chặn chế độ Iran có được những nguồn tài chính để tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và các chương trình tên lửa hạt nhân cũng như các hoạt động nguy hiểm khác ở khu vực Trung Đông.”

Các quan chức trên đã không kêu gọi thay đổi hoàn toàn chế độ, giống như một số nhân vật bảo thủ từng làm, thay vào đó họ nói: “Chúng tôi muốn thấy sự thay đổi hành vi của Iran.”

Song mặc dù bản thân chính quyền Mỹ đã có một quyết định cứng rắn đối với Iran nhưng nó vẫn đang chịu sức ép từ sự can thiệp của Cánh hữu đòi làm nhiều hơn nữa. “Trừng phạt không thôi... sẽ không thể ngăn được Iran. Một răn đe quân sự đáng tin cậy nhằm ngăn chặn nguy cơ hạt nhân Iran mới là quan trọng,” Jim Phillips thuộc Tổ chức tư vấn chính sách quốc tế Heritage Foundation cho biết.

Và bất chấp có được một chiến thắng lớn sau khi Mỹ vô hiệu hóa thỏa thuận JCPOA, Frank Gaffney thuộc Trung tâm chính sách an ninh, có quan hệ gần gũi với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Tham mưu trưởng Hội đồng an ninh quốc gia Fred Fleitz, muốn có một cuộc thanh lọc các quan chức an ninh quốc gia. “Chính quyền Trump tiếp tục sử dụng, và thậm chí thăng chức cho những nhân vật từ nhóm đối lập của ông, chẳng hạn như thăng chức cho Brian Hook, người từng lập nhóm phản đối Trump, làm Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao,” Gaffney nói.

Hook, người ở lại, còn Rex Tillerson phải rời nhiệm sở, là một nhân vật không được nhiều người thích, đặc biệt là những nhân vật “siêu diều hâu” như Gaffney, cũng như những người ở Cánh hữu muốn tìm kiếm một chính sách đối ngoại thận trọng hơn. Ông được xem là “người đạo diễn chính” cho cách giải quyết Iran của chính quyền Mỹ.

[Mỹ trừng phạt Iran: Các công ty châu Âu có thể được bảo vệ]

Gaffney nói thêm: “Tổng thống Trump gần đây đã sa thải những thuộc cấp không cùng quan điểm khỏi những vị trí quan trọng. Ông ta bây giờ phải chấm dứt điều đó”. Một số quan chức Nhà trắng hy vọng tình hình sẽ lắng dịu cho dù kế hoạch chiến tranh vẫn nằm trong đầu Tổng thống.

Những người Cánh hữu thận trọng hơn đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Trump muốn gặp Tổng thống Iran Rouhani.

“Truyền thông Israel đưa tin Trump và Rouhani có thể tổ chức cuộc gặp trong tháng 9 bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,” Sina Toossi thuộc Hội đồng Quốc gia Mỹ-Iran (NIAC- một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C) lưu ý. Ông cho biết thêm rằng “Tờ báo Al Jarida bằng tiếng Arập của Kuwait- được Israel sử dụng để truyền bá thông tin cho các nước khu vực - đưa tin Trump đã chấp nhận 7 điều kiện của Iran cho các cuộc hội đàm song phương.”

Tuy nhiên, Toossi cho rằng: “Nội dung thông tin này là... Israel đã từng phản đối kịch liệt chính sách ngoại giao/cải thiện quan hệ Mỹ-Iran và phá hoại những nỗ lực như vậy.”

Chính quyền Mỹ đã phải chịu áp lực về việc xử lý sao cho hợp lý giữa mong muốn công khai của Trump gặp gỡ các quan chức cấp cao Iran và những hành động hiếu chiến của các quan chức ở hậu trường. Dù thế nào đi nữa, cách xử lý của chính quyền Mỹ sẽ phản chiếu chính sách về Nga: áp đặt trừng phạt kết hợp với những lời nói mâu thuẫn từ Tổng thống. Trump, tất nhiên, bản thân chỉ trích Iran nhiều hơn Nga. Những người bảo vệ Tổng thống ám chỉ đến một chiến lược logic về Iran: tốt rồi lại đến xấu, giống như chiến lược với Triều Tiên vậy.

“Sự mẫu thuẫn căn bản đến khó hiểu trong nhiệm kỳ tổng thống Trump là những bản năng chính sách đối ngoại mang tính cá nhân của ông dường như phản ánh con người có đầu óc thực tế, nhưng ông đã chọn vây quanh mình những cố vấn thiên về chủ nghĩa bảo thủ mới,” Scott McConnell, Tổng biên tập, đồng thời là người sáng lập tờ The American Conservative nói. “Vì vậy, Trump có những ứng xử gần giống George F. Kennan về Nga và thậm chí về Iran… trong khi bộ máy chính sách đối ngoại của ông về cơ bản lại giống học thuyết Cheneyite (tư tưởng của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney), nói về xoay chuyển ảnh hưởng của Nga xưa và nay ở Iran, một khả năng tưởng tượng kỳ lạ của những nhân vật bảo thủ mới. Sự mâu thuẫn này được giải quyết như thế nào sẽ quyết định liệu chủ nghĩa Trump có tương lai hay không.”

Trong khi đó, theo trang mạng edition.cnn.com, ngày 6/8, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã “thách thức” Tổng thống Donald Trump, nói rằng Cộng hòa hồi giáo Iran sẽ hoan nghênh các cuộc đàm phán với Mỹ “ngay bây giờ." "Tôi không có các điều kiện tiên quyết. Nếu chính quyền Mỹ sẵn sàng, chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ", Rouhani nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia theo giờ địa phương, chỉ vài giờ trước khi Mỹ nối lại trừng phạt Iran. "Nếu điều đó là thật, Iran luôn hoan nghênh đối thoại và các cuộc đàm phán," Rouhani nói.

John Bolton- cố vấn an ninh quốc gia của Trump nhấn mạnh: "Nếu những người Iran thực sự sẵn sàng đi nói chuyện về tất cả những hành vi xấu xa của họ ở khu vực và trên thế giới, tôi nghĩ họ sẽ nhận ra Tổng thống sẵn sàng làm điều đó."

Mỹ tái cấm vận có "thay đổi được hành vi" của Iran? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhưng Tổng thống Iran đã tỏ ra lo sợ rằng Trump không phải là người đáng tin cậy vì chính Tổng thống Trump đã rút lại cuộc đối thoại trước đó với Tehran cũng như các thỏa thuận quốc tế khác.

Theo Tổng thống Rouhani, chính quyền Trump đang gia tăng cấm vận và chỉ trích Iran một phần do cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 ở Mỹ đang đến gần. "Tôi tin rằng họ muốn tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý và tạo ra sự hoài nghi về người dân Iran để có thể sử dụng nó trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới," Rouhani nói, "Vì vậy, những bình luận của Trump là nhằm tạo lợi thế cho họ trong cuộc bầu cử quốc hội."

Tổng thống Rouhani cũng khẳng định khi một công ty của Pháp rút khỏi một dự án khí đốt thì Trung Quốc lập tức lấp vào chỗ trống. "Với những điều kiện hiện nay, các nước châu Á là vô cùng quan trọng đối với chúng tôi," ông nói.

Những trừng phạt Iran của Mỹ có hiệu lực ngày 7/8 sẽ bao gồm nghiêm cấm chính phủ Iran giao dịch bằng đồng đôla Mỹ; giao dịch bằng vàng hoặc các kim loại quý khác; buôn bán trực tiếp và gián tiếp, cung cấp hay chuyển giao đến hoặc đi từ Iran than chì, những kim loại thô hoặc đã qua sơ chế chẳng hạn như nhôm, thép và than đá; cũng như giao dịch tiền tệ Iran; và ngành công nghiệp ôtô của nước này.

Những bên khác ký thỏa thuận hạt nhân với Iran như Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc đang mắc kẹt với thỏa thuận này. Trong một tuyên bố hôm 6/8, EU, Anh, Pháp và Đức cho biết họ “thực sự lấy làm tiếc” về hành động của Mỹ. EU thông báo sẽ thực hiện các bước đi pháp lý để bảo vệ các công ty EU "làm ăn hợp pháp ở Iran"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục