Mỹ: Tàu vũ trụ robot X-37B được phóng lên quỹ đạo cao chưa từng thấy

Tàu X-37B do Boeing chế tạo, có kích thước gần bằng một chiếc xe buýt nhỏ và giống một tàu con thoi thu nhỏ, được chế tạo để tiến hành các thí nghiệm công nghệ trên các chuyến bay có quỹ đạo dài.
Mỹ phóng tàu vũ trụ X-37B lên quỹ đạo cao chưa từng thấy. (Nguồn: CNN)

Tối 28/12 theo giờ Mỹ (tức sáng 29/12 giờ Việt Nam), tàu vũ trụ robot X-37B bí mật của quân đội Mỹ đã được phóng lên không gian từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Cape Canaveral, bang Florida.

Đây là sứ mệnh thứ 7 của X-37B nhưng là lần đầu tiên tàu được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy của công ty SpaceX, có khả năng đưa tàu lên quỹ đạo cao hơn những quỹ đạo trước đây.

Tên lửa Falcon Heavy gồm 3 lõi tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng gắn liền với nhau. Vụ phóng diễn ra sau hơn 2 tuần phải hoãn do thời tiết xấu và các vấn đề kỹ thuật khiến tàu được đưa trở lại nơi sản xuất để sửa chữa.

Tàu X-37B do hãng Boeing chế tạo, có kích thước gần bằng một chiếc xe buýt nhỏ và giống một tàu con thoi thu nhỏ. Tàu được chế tạo để tiến hành các thí nghiệm công nghệ trên các chuyến bay quỹ đạo trong thời gian dài.

Khi kết thúc nhiệm vụ, tàu sẽ trở lại bầu khí quyển để đáp xuống đường băng giống như một chiếc máy bay.

Kể từ năm 2010, tàu X-37B đã thực hiện 6 sứ mệnh, trong đó 5 sứ mệnh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Atlas V của United Launch Alliance, một liên doanh của Boeing và Lockheed Martin. Gần đây nhất, vào tháng 5/2020, tàu đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX.

Trước đây X-37B chỉ được giới hạn trong các chuyến bay ở quỹ đạo thấp, độ cao dưới 2.000km. Tuy nhiên, sứ mệnh mới nhất đánh dấu lần đầu tiên tàu được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy mạnh hơn, có khả năng đưa X-37B tiến xa hơn vào không gian, có thể đi vào quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao khoảng 35.000km.

X-37B cũng đang thực hiện một thí nghiệm của NASA để nghiên cứu xem hạt giống thực vật bị ảnh hưởng như thế nào khi tiếp xúc lâu với môi trường bức xạ khắc nghiệt trong không gian.

Khả năng trồng trọt trong không gian có ý nghĩa quan trọng đối với việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho các phi hành gia trong các sứ mệnh dài hạn trong tương lai tới Mặt Trăng và sao Hỏa.

Thời gian dự kiến của sứ mệnh X-37B mới nhất không được công bố nhưng có thể sẽ kéo dài đến tháng 6/2026 hoặc muộn hơn. Trong sứ mệnh thứ 6, X-37 đã ở trên quỹ đạo hơn 2 năm trước khi trở lại Trái Đất vào tháng 11/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục