Mỹ thảo luận gói viện trợ cho phe chống đối ở Syria

Bà Victoria Nuland cho hay, Mỹ đang trong quá trình thảo luận với FSA về gói viện trợ không gây chết người như thuốc và lương thực.
Nhà Trắng ngày 13/3 thông báo Mỹ vẫn chưa bắt đầu cung cấp các khoản viện trợ trực tiếp cho nhóm vũ trang đối lập ở Syria như lời cam kết của Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài trên cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao. Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland cho biết hiện Mỹ vẫn đang trong quá trình thảo luận với "Quân đội Syria tự do" (FSA) về gói viện trợ không gây chết người như thuốc và lương thực. Theo người phát ngôn, gói viện trợ bổ sung 60 triệu USD mà Ngoại trưởng Kerry cam kết dành cho phe chống đối ở Syria trong chuyến thăm châu Âu mới đây bao gồm 10 triệu USD dành cho các hội đồng và tổ chức quản lý các vùng mà phe chống đối đã chiếm được từ tay các lực lượng chính phủ, 30 triệu USD thuộc quỹ khẩn cấp do liên minh chống đối quản lý và số còn lại dành cho các dịch vụ cung cấp nước, điện và một số dịch vụ khác. Khoản viện trợ bổ sung này nằm ngoài khoản viện trợ 385 triệu USD mà Mỹ cam kết dành cho phe chống đối ở Syria trong hai năm. Gói viện trợ bổ sung 60 triệu USD được coi là bằng chứng mới nhất cho thấy Mỹ vẫn chưa có ý định can thiệp quân sự, song giới phân tích cho rằng nó sẽ làm gia tăng quy mô của cuộc nội chiến tại Syria. Mỹ chưa cung cấp ngay các khoản viện trợ trực tiếp cho nhóm vũ trang ở Syria còn có lý do khác. Trong cuộc điều trần ngày 12/3 tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI), ông James Clapper xác định mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là trong lực lượng chống đối ở Syria có cả các phần tử cực đoan nguy hiểm. Ông Clapper cho biết sự có mặt ngày càng nhiều của các tay súng thuộc nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda trong lực lượng đối lập ở Syria có thể đặt ra những thách thức lớn cho các khoản viện trợ của Mỹ. Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 13/3 ở London (Anh), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng mọi động thái nhằm vũ trang cho lực lượng đối lập Syria sẽ đều vi phạm luật pháp quốc tế.
Mỹ thảo luận gói viện trợ cho phe chống đối ở Syria ảnh 1
Được hỏi về phản ứng trước mọi động thái của phương Tây hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy Syria, ông Lavrov nêu rõ luật pháp quốc tế không cho phép cung cấp vũ khí cho các thành phần phi chính phủ. Do vậy, việc vũ trang cho phe chống đối ở Syria là vi phạm luật quốc tế. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Anh nêu khả năng sẽ lách luật cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) để vũ trang cho phe đối lập Syria. Nga, nước đã bán vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria là thông qua đối thoại. Liên quan tình hình Syria, Liên hợp quốc ngày 13/3 kêu gọi chính phủ các nước mở ngân quỹ để hỗ trợ 1 triệu người tị nạn đang chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Syria. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Antonio Guterres cảnh báo về "mối đe dọa rất lớn" trong khu vực từ cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua khiến ít nhất 70.000 người thiệt mạng. Từ Jordan, ông Guterres kêu gọi chính phủ và quốc hội các nước thông qua các khoản ngân quỹ đặc biệt để hỗ trợ các nạn nhân của cuộc chiến ở Syria và các quốc gia tiếp nhận họ, trong đó có Lebanon - nước đang tiếp nhận khoảng 450.000 người tị nạn Syria, gần một nửa số người tị nạn trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Ông Joel Charny, Phó Chủ tịch Liên minh các tổ chức cứu trợ InterAction (có trụ sở ở Mỹ) cũng kêu gọi các nhà tài trợ thực hiện những cam kết mà họ đưa ra tại hội nghị ở Kuwait hồi tháng 1/2013. Theo Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc, cho đến nay họ mới chỉ nhận được khoảng 20% trong tổng số 1,5 tỷ USD mà các nước đã cam kết hỗ trợ người tị nạn Syria./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục