191/193 phiếu thuận là tỷ lệ ủng hộ cao nhất mà Cuba giành được trong 24 lần đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc bao vây cấm vận phi lý đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Hai phiếu chống vẫn là của Mỹ và Israel.
Có thể nói số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối vừa qua là một thắng lợi ngoại giao vang dội của Cuba, khẳng định tính chính nghĩa của cách mạng Cuba cũng như ý chí kiên cường của người dân hòn đảo này.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là Mỹ vẫn bỏ phiếu chống, đặc biệt trong bối cảnh Washington và La Habana đã và đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trước thời điểm bỏ phiếu, đã có nhiều dự đoán về khả năng Mỹ có thể bỏ phiếu trắng để gia tăng sức ép đối với Quốc hội nước này về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chống Cuba.
Hiện Quốc hội Mỹ là cơ quan duy nhất có khả năng tiến hành bước đi trên do chính sách này đã bị luật hóa năm 1996. Nếu Washington bỏ phiếu trắng, đây sẽ lần đầu tiên một quốc gia tự bỏ phiếu phủ nhận hay ít nhất là nghi ngờ tính chính đáng của một văn bản luật vẫn còn hiệu lực của nước này.
Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ hủy bỏ luật cấm vận Cuba và công khai chỉ trích chính sách trừng phạt này là lỗi thời và phản tác dụng.
Hơn nữa, trong một năm có nhiều sự kiện để lại dấu ấn “chưa từng có” trong quan hệ La Habana-Washington, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào một “cột mốc lịch sử” nữa. Đáng tiếc là điều đó đã không diễn ra.
Chính sách bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba bắt đầu từ năm 1960, khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt cấm vận thương mại để trả đũa việc chính phủ cách mạng tại La Habana quốc hữu hóa cơ sở của các công ty nước ngoài tại Cuba.
Tháng 4/1962, Tổng thống John J.Kennedy đã mở rộng các biện pháp trừng phạt và biến cuộc cấm vận trở nên toàn diện. Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton (B.Clinton) đã ký ban hành Luật Helms-Burton, luật hóa chính sách phi lý này.
Cho tới nay, cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba được ghi nhận là kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại, gây ra tổn thất nặng nề về vật chất.
Theo tính toán chính thức của Cuba, thiệt hại do lệnh cấm vận trên gây ra đối với quốc gia này đã vượt mức 1.100 tỷ USD, làm cản trở sự phát triển về mọi mặt của người dân Cuba. Tính chất tàn bạo và đơn phương của chính sách trên đã vi phạm nhiều nguyên tắc cơ bản của luật pháp và thỏa thuận quốc tế.
Vì thế, không có gì khó hiểu về sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với nghị quyết của Cuba kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh bao vây cấm vận.
Với việc Mỹ tiếp tục bỏ phiếu chống, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước sẽ không thể tiến tới bình thường hóa nếu Cuba vẫn bị cấm vận và rằng họ sẽ tiếp tục đệ trình các nghị quyết tương tự chừng nào cuộc bao vây cấm vận “vẫn còn nguyên như hiện tại.”
Chưa rõ nguyên nhân thực sự dẫn tới quyết định của chính phủ Mỹ: có thể do Washington không muốn tỏ ra “mềm yếu” trước giai đoạn tranh cử, cũng có thể Mỹ không muốn tạo ra một tiền lệ “xấu” tại diễn đàn Liên hợp quốc hay không muốn trao thêm ưu thế cho Cuba trong đàm phán, …. Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn giữ nguyên lá phiếu phản đối là một bước đi “lạc nhịp” trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang có những tín hiệu tích cực và cộng đồng quốc tế đang chờ đợi hai bên tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện quan hệ.
Tổng thống Bolivia Evo Morales đã bình luận rằng: “Cả thế giới ủng hộ nghị quyết của Cuba ngoại trừ hai quốc gia. Mỹ vẫn không tôn trọng nghị quyết ấy. Vậy họ còn có thể nói gì về nền dân chủ?.”
Mặc dù vậy, với những khẳng định của cả đại diện Cuba và Mỹ về quyết tâm tiếp tục chính sách đối thoại để cùng tìm giải pháp, hy vọng rằng con tàu tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ không bị “trật bánh” dù còn nhiều chông gai và thách thức./.