Đến New York người ta không chỉ được tận mắt chứng kiến Tượng Nữ thần Tự do, phố Wall hay sân khấu kịch Broadway nổi tiếng mà còn được tận tai nghe đủ thứ âm thanh của một cuộc sống luôn chuyển động từ còi xe hơi, còi báo động, máy khoan, tiếng máy bay trực thăng ù ù trên bầu trời hay tiếng huyên náo từ các nhà hàng đông đúc nơi các thực khách phải "gào to" mỗi khi cần phục vụ.
Thành phố này không chỉ được biết đến như đô thị lớn nhất nước Mỹ mà còn được mệnh danh là "thành phố không bao giờ ngủ." Chính vì vậy, việc mới đây thành phố triển khai chương trình thử nghiệm mang tên "Sound of NYC," ứng dụng công nghệ mới giúp giảm âm và phát hiện mức độ ô nhiễm tiếng ồn, được coi là một sự thay đổi lớn.
Theo các tác giả của "Sounds of NYC," tiếng ồn là điều bận tâm hàng đầu của hầu hết cư dân tại đây. Đặc biệt hơn, ở New York, do những điểm đặc biệt về cấu trúc không gian nên có nhiều địa điểm âm thanh phát ra được kích âm lên mức to hơn so với ở những nơi khác.
Trong khi tiếng ồn được chứng minh là có những tác hại sức khỏe trong ngắn và dài hạn thì chính quyền thành phố chưa thực sự có biện pháp hiệu quả nào nhằm hạn chế yếu tố gây hại này. Theo quy trình hiện tại, khi có phàn nàn về tiếng ồn, sẽ phải mất 5-6 ngày để giải quyết và cần tới 50 chuyên gia vào cuộc. Sau từng đó thời gian, vấn đề được giải quyết.
[Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây tổn hại thính lực của con người]
Dựa trên những điều kiện này, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học New York đã thực hiện nghiên cứu mới, cùng với sự phối hợp từ các cư dân và chính quyền thành phố.
Dự án thử nghiệm kéo dài 5 năm với mức chi phí khoảng 4,6 triệu USD. Trong đó, các tác giả sử dụng các hộp cảm biến để thu các loại âm thanh phát ra hàng ngày, sau đó truyền dữ liệu qua wifi về cho các máy tính xử lý và tập hợp tạo thành thư viện âm thanh.
Cùng với sự trợ giúp của cư dân địa phương, các âm thanh sẽ được nhận diện và những âm thanh gây hại cũng sẽ được phát hiện nhanh chóng. Từ đó chính quyền có thể quyết định nên làm gì để hạn chế những âm thanh này.
Các hộp cảm biến được cài đặt để ghi âm không quá 10 giây âm thanh tránh các trường hợp nghe lén, đe dọa tính bảo mật thông tin. Ban đầu các nhà nghiên cứu lắp đặt hộp cảm biến tại các tòa nhà của Đại học New York ở Greenwich. Cho tới nay, các hộp cảm biến được lắp đặt trên khắp các quận Manhattan và Brooklyn và đến cuối năm sẽ có 100 hộp cảm biến được lắp đặt.
Tiếng ồn không chỉ làm phiền cư dân New York mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, nên các nhà khoa học tin tưởng chương trình thí điểm này sẽ tạo ra một loạt công nghệ cốt lõi có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi khác./.