Ngày 25/11, Bộ ngoại giao Mỹ thông báo đã triệu hồi Đại sứ tại Nam Sudan Thomas Hushek về nước để tham vấn các đánh giá liên quan việc quốc gia châu Phi này không thành lập được chính phủ chuyển tiếp.
Theo thông báo, ông Hushek sẽ gặp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ ở Washington để cùng nhau đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Nam Sudan trong tình hình có những diễn biến mới.
Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai phe xung đột tại Nam Sudan không thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc giai đoạn chuyển tiếp hồi tháng Năm vừa qua.
Ngày 12/11, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và lãnh đạo phe đối lập Rierk Machar đã nhất trí lùi thời hạn thành lập chính phủ chuyển tiếp thêm 100 ngày sau khi không giải quyết được các bất đồng.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, cùng ngày 25/11, một phái đoàn cấp cao của Sudan do Phó chủ tịch Hội đồng cầm quyền ở nước này, Mohamed Hamdan Dagalo dẫn đầu đã tới thủ đô Juba của Nam Sudan để hỗ trợ nước láng giềng thực hiện kế hoạch thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc.
Trả lời các phóng viên quốc tế tại sân bay Juba, phát ngôn viên của phái đoàn Sudan, ông Mohamed Hassen cho biết, nhóm của ông có mặt ở Juba để thảo luận về sự cần thiết thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc giúp ổn định đất nước non trẻ nhất thế giới này, và đặc biệt là tiến trình gia hạn 100 ngày.
[Sudan: Chính phủ và phe đối lập ký tuyên bố hòa bình lịch sử]
Ông Mohamed Hassen nêu rõ là một bên ủng hộ hòa bình tại Nam Sudan, Khartoum kêu gọi các bên ở Nam Sudan khôi phục các thỏa thuận hòa bình để giải quyết các vấn đề an ninh chưa được giải quyết như sự hợp nhất các lực lượng thống nhất và thành lập một lực lượng bảo vệ chung.
Sau khi tách khỏi Sudan trở thành một quốc gia độc lập, kể từ tháng 12/2013, Nam Sudan đã chìm sâu vào cuộc nội chiến giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Kiir và lực lượng ủng hộ cựu Phó Tổng thống Manchar.
Hai bên đã ký một thỏa thuận hòa bình năm 2015, song thỏa thuận đã đổ vỡ sau khi bạo lực tái bùng phát vào tháng 7/2016.
Vào tháng 9/2018, hai bên lại ký thỏa thuận hòa bình và đã đạt nhiều tiến bộ nhưng những căng thẳng chính trị vẫn chưa được giải quyết.
Mỹ, quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất cho Nam Sudan, dẫn đầu tiến trình hòa bình tại Nam Sudan, theo đó thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc vào tháng Năm vừa qua, song do hai bên xung đột ở nước này không tìm được tiếng nói chung nên quyết định gia hạn 6 tháng để thành lập chính phủ vào ngày 12/11.
Tuy nhiên, sau khi không giải quyết được những bất đồng liên quan chủ yếu đến vấn đề an ninh, một lần nữa hai bên lại quyết định hoãn thành lập chính phủ chuyến tiếp thêm 100 ngày./.