Mỹ-Trung: 'Đình chiến' thương mại, cạnh tranh trên mặt trận quân sự?

Trái ngược với tình trạng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu có dấu hiệu ngừng chiến, đọ sức quân sự Mỹ-Trung đang có xu thế gia tăng.
Mỹ-Trung: 'Đình chiến' thương mại, cạnh tranh trên mặt trận quân sự? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ Đông phương của Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng trái ngược với tình trạng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu có dấu hiệu ngừng chiến, đọ sức quân sự Mỹ-Trung đang có xu thế gia tăng.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến đại diện của hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Tổng thống Mỹ Trump còn nêu rõ lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung sẽ tổ chức lễ ký kết và nhanh chóng ký kết thỏa thuận bởi cả hai bên đều mong muốn điều này và hy vọng thành công. Hiện nay, văn bản thỏa thuận đã được thống nhất, chỉ còn chờ việc dịch thuật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận rằng trong cuộc điện đàm gần nhất, lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã bàn đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

[Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ tiến tới "chiến tranh lạnh" vào năm 2020?]

Đại diện đàm phán kinh tế thương mại của hai nước hiện duy trì mối liên hệ chặt chẽ, phối hợp hoàn tất công việc sắp xếp cụ thể liên quan đến ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Theo thỏa thuận giai đoạn một này, Trung Quốc cam kết tăng mua nông sản của Mỹ. Giám đốc của Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà trắng, Peter Navarro cho rằng người chăn nuôi lợn của Mỹ nên phấn khởi trước tin tức này bởi Trung Quốc có nhu cầu thịt rất lớn, và Bắc Kinh xóa bỏ các khoản thuế quan nhập khẩu liên quan, dọn đường để Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn từ Mỹ.

Ngoài ra, số liệu thương mại mới nhất cho thấy, sau khi Trung Quốc bỏ thuế nhập khẩu, trong tháng 11/2019, doanh nghiệp Trung Quốc đã nhập khẩu từ Mỹ 2,56 triệu tấn đậu tương, tăng gần 2,4 lần so với con số 1,147 triệu tấn trong tháng 10/2019.

Cùng với việc tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, Trung Quốc giảm bớt lượng nhập khẩu đậu tương của Brazil, trong tháng 11/2019, Trung Quốc nhập khẩu đậu tương từ Brazil chỉ là 3,86 triệu tấn, giảm 24% so với con số 5,07 triệu tấn của tháng 11/2018.

Mỹ-Trung: 'Đình chiến' thương mại, cạnh tranh trên mặt trận quân sự? ảnh 2Bốc dỡ đậu tương nhập khẩu tại cảng Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, trái ngược với những tín hiệu hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại, đọ sức quân sự Mỹ-Trung đang có xu hướng gia tăng. Ngày 24/12, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ ngày 21/12 một tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu 094 của Trung Quốc đã phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo Cự Lang-3 tại vùng biển Bột Hải.

Vệ tinh trinh sát và các thiết bị tình báo khác của Mỹ đã theo dõi quá trình phóng thử tên lửa đan đạo này của Trung Quốc. Tên lửa sau khi được phóng từ tàu ngầm đã bay về hướng Tây, nhưng không rõ kết quả thử nghiệm có thành công hay không.

Điều đáng lo ngại là Cự Lang-3 là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai mà Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển, có thể mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân và với tầm bắn trên 10.000km, đồng nghĩa với phạm vi tấn công của Cự Lang-3 bao phủ khắp nước Mỹ.

Cùng lúc, Quốc hội Mỹ cho biết, thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động tác các vùng biển Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và châu Âu, khiến Hải quân Mỹ lần đầu phải đối mặt với thách thức này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Báo cáo liên quan của Quốc hội Mỹ cảnh báo, trong năm tới Trung Quốc sẽ có từ 65-70 tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu 094. Hiện nay, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Sơn Đông, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ ba và có kế hoạch năm 2021 sẽ triển khai đóng tàu sân bay thứ tư.

Nếu so sánh tàu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, ưu thế sẽ nghiêng về Trung Quốc. Hiện nay, tàu chiến các loại của Hải quân Trung Quốc so với Hải quân Mỹ đã nhiều hơn 49 tàu.

Ngoài ra, Báo cáo của Quốc hội Mỹ còn nhấn mạnh, so với quân Mỹ, quân đội Trung Quốc có ưu thế hậu cần vượt trội tại khu vực lân cận chuỗi đảo thứ nhất.

Rõ ràng, trên phương quân sự, Trung Quốc đang trở thách thách thức chủ yếu nhất đối với Mỹ, nhất là tại khu vực Tây Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục