Theo bài viết mới đây trên trang thediplomat.com, trong bối cảnh sông Mekong hiện trở thành trọng tâm của các cuộc cạnh tranh địa chính trị đang nóng trở lại, xuất hiện một nền tảng giám sát dòng sông này do Mỹ tài trợ với mục tiêu phơi bày những hoạt động xây dựng đập gây tranh cãi của Trung Quốc trên thượng nguồn con sông.
Mục đích của Dự án giám sát đập Mekong
Chương trình Giám sát đập Mekong, được chính thức công bố vào ngày 14/12, sẽ sử dụng công nghệ viễn thám và dữ liệu từ vệ tinh để theo dõi mực nước ở các đập của Trung Quốc. Các đập này bị chỉ trích là ngăn dòng nước chảy xuống các quốc gia ở hạ lưu.
Dự án này là một sự hợp tác liên doanh giữa Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington với Công ty nghiên cứu Eyes on Earth của Mỹ với sự tài trợ một phần của Bộ Ngoại giao Mỹ và sẽ chính thức được khởi động trong ngày 15/12.
Sự kiện này diễn ra sau một năm chứng kiến sự hoài nghi ngày càng gia tăng trong cộng đồng quốc tế đối với 11 con đập lớn của Trung Quốc trên sông Mekong (mà phía Trung Quốc gọi là Lan Thương).
Hãng tin Reuters cho biết các thông tin được thu thập sẽ được công khai theo thời gian thực, kể từ ngày 15/12.
Theo Reuters, công cụ dự báo “độ ẩm bề mặt” riêng biệt sẽ được sử dụng để cho biết khu vực nào của dòng sông khô hạn hoặc nhiều nước hơn bình thường: đây là một hướng dẫn về mức độ mà các dòng chảy tự nhiên bị ảnh hưởng bởi các con đập.
Reuters dẫn lời Bian Eyler, Giám đốc Chương trình châu Á của Trung tâm Stimson, cho biết: “Dự án giám sát này cung cấp những bằng chứng cho thấy 11 con đập của Trung Quốc trên dòng chảy chính của sông đã được bố trí một cách công phu và hoạt động theo hướng tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh miền Đông của Trung Quốc, mà không hề tính đến những ảnh hưởng gây ra cho khu vực hạ lưu."
Theo The Diplomat, kể từ năm ngoái, các quốc gia hạ nguồn sông Mekong đã phải hứng chịu tình trạng khô hạn nghiêm trọng trải dài trên khắp con sông, khiến toàn bộ khu vực dọc đường biên giới với Lào và Thái Lan bị khô hạn.
[Dự án giám sát sông Mekong: Thêm thử thách với mối quan hệ Mỹ-Trung]
Trước đó, một đợt khô hạn kỷ lục khác cũng đã xảy ra vào năm 2016. Và bằng chứng mới đây cho thấy các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông ít nhất là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Hồi tháng 4, Công ty Eyes on Earth đã đăng tải một nghiên cứu tuyên bố rằng các hồ chứa của Trung Quốc đã trữ một lượng nước lớn vào mùa mưa, làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn tại 5 quốc gia ở hạ nguồn, nơi mà hơn 66 triệu người dân phải sống dựa vào các nguồn tài nguyên của sông Mekong.
Trao đổi với The Diplomat, ông Eyler cho biết nền tảng giám sát này sẽ cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn bao giờ hết về những tác động của các đập của Trung Quốc ở thượng lưu sông. Giống như Dự án Mekong Infrastructure Tracker, dự án này cũng sẽ được công khai.
Ông nói: “Đây sẽ là một nền tảng giúp thay đổi cuộc chơi. Lần đầu tiên, chúng ta sẽ có dữ liệu hàng tuần về tất cả các đập của Trung Quốc và người sử dụng sẽ chứng kiến/chứng thực cho các số liệu bằng mắt thường thông qua các hình ảnh vệ tinh. Chúng ta sẽ biết được mực nước vào bất kỳ thời điểm nào và sẽ hiểu rõ hơn về những tác động của các đập ở thượng lưu."
Lý lẽ của Trung Quốc
Theo Reuters, Trung Quốc trước nay vẫn luôn chỉ trích các nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của Eyes on Earth. Trong báo cáo đưa ra ngày 4/12, Viện Công nghệ Năng lượng Tái sinh Trung Quốc do nhà nước bảo trợ cho biết: “Mỹ trước nay vẫn không thể cung cấp bằng chứng thuyết phục. Những lợi ích tích cực của thủy điện ở thượng nguồn sông Lan Thương (Mekong) đối với các nước láng giềng ở hạ nguồn sông Mekong rất rõ ràng và hiển nhiên."
Báo cáo còn nói thêm rằng lượng nước dự trữ ở các hồ chứa trong mùa mưa giúp khu vực hạ lưu ngăn ngừa được cả tình trạng ngập lụt lẫn hạn hán.
Trong một cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khi được hỏi về dự án này đã trả lời rằng Trung Quốc và các quốc gia dọc sông Mekong những năm gần đây đã vượt qua được “sự ồn ào và can thiệp” từ bên ngoài để thúc đẩy sự hợp tác về các tài nguyên sông. Ông nói thêm rằng “Trung Quốc hoan nghênh những lời khuyên tích cực về các nguồn tài nguyên sông, nhưng cũng phản đối sự ‘khiêu khích hiểm độc."
Đầu năm nay, Trung Quốc đã nhất trí chia sẻ dữ liệu về mực nước với Ủy hội sông Mekong (MRC) – hội đồng cố vấn để Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể trao đổi thông tin để có sự hoạch định tốt hơn.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung
Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc lại xúc tiến các diễn đàn đối địch nhau cùng các nước ở khu vực Mekong: Diễn đàn Hợp tác Mekong-Lan Thương tại Bắc Kinh và Quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ.
Theo The Diplomat, hiện có nguy cơ nền tàng mới này sẽ làm gia tăng sự thù địch chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Kể từ khi Eyes on Earth công khai báo cáo, những phát hiện trong đó đã được chính quyền Trump tận dụng để nỗ lực kích động một sự phản đối Trung Quốc trên toàn khu vực.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ những phát hiện trong các báo cáo này. Để giải tỏa những quan ngại của các quốc gia ở hạ nguồn, Bắc Kinh cũng cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn hàng năm với các nước này, khởi động một cổng chia sẻ thông tin trực tuyến với khẩu hiệu “Chia sẻ Dòng sông, Chia sẻ tương lai."
Bất chấp sự nhạy cảm chiến lược xung quanh các hành động của Trung Quốc trên sông Mekong, chương trình giám sát đập mới này sẽ làm rõ những tác động chính xác mà các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc gây ra với những người dân sống ở hạ nguồn sông, qua đó gia tăng khả năng các nước hạ nguồn sẽ yêu cầu phía Trung Quốc phải có những giải trình chính thức.
Trong kịch bản tích cực nhất, dự án này có thể buộc chính phủ Trung Quốc cải thiện những tác động mà các đập của họ gây ra cho các nước hạ nguồn. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một viễn cảnh tươi sáng cho dòng sông lớn này của Đông Nam Á./.