Mỹ: Tỷ lệ lao động tự nguyện bỏ việc tăng cao kỷ lục trong tháng 9

Theo tờ The Hill, việc công nhân Mỹ tự nguyện rời bỏ việc làm tăng vọt là dấu hiệu cho thấy người lao động sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại của họ để tìm kiếm một việc làm khác có mức lương cao hơn.
Mỹ: Tỷ lệ lao động tự nguyện bỏ việc tăng cao kỷ lục trong tháng 9 ảnh 1Người tìm việc tại hội chợ việc làm ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 12/11, số lượng và tỷ lệ người lao động Mỹ tự nguyện bỏ việc đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9/2021

Cụ thể, khoảng 4,4 triệu công nhân Mỹ đã bỏ việc trong tháng 9/2021 và tỷ lệ nghỉ việc đã tăng lên 3%.

Theo tờ The Hill, việc công nhân Mỹ tự nguyện rời bỏ việc làm tăng vọt là dấu hiệu mới nhất cho thấy lực lượng công nhân gia tăng trên thị trường lao động đang phục hồi.

Các nhà kinh tế coi tình trạng nghỉ việc gia tăng cho thấy người lao động sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại của họ để tìm kiếm một việc làm khác có mức lương cao hơn.

Tỷ lệ phần trăm và số người trưởng thành trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch nên vẫn còn nhiều cơ hội việc làm cho những người đang tìm việc.

Giám đốc nghiên cứu kinh tế tại công ty môi giới việc làm Indeed, ông Nick Bunker đánh giá sự gia tăng của hiện tượng rời bỏ việc làm trên thị trường lao động là đáng chú ý.

[Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu về việc làm khả quan hơn dự kiến]

Ông đồng thời nhấn mạnh sự tăng vọt của số người bỏ việc trong lĩnh vực sản xuất cũng như lĩnh vực giải trí và khách sạn - vốn đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Chuyên gia này cũng lưu ý tình trạng rời bỏ công việc tăng cao nhất trong các lĩnh vực mà hầu hết công việc có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hoặc được trả lương tương đối thấp.

Trong khi thị trường lao động vẫn còn để ngỏ nhiều cơ hội cho người lao động và người tìm việc, tương lai bấp bênh của hàng triệu lao động chưa quay trở lại tìm việc vẫn đặt ra câu hỏi về sức mạnh dài hạn của đà phục hồi.

Lực lượng lao động hạn chế có thể cản trở năng lực sản xuất của quốc gia và tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng đang quá tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục