Các nhà đàm phán Mỹ đã tới thủ đô Brussels (Bỉ) để tiếp tục đàm phán về Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), sau gần hai năm đình trệ vì vấp phải sự phản đối từ công chúng.
Tương lai của TTIP từng bị đặt trong nghi vấn trong bối cảnh hiệp định này phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nhà hoạt động và các tín hiệu trái chiều từ các chính phủ chủ chốt châu Âu, trong đó có Đức.
TTIP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - sẽ tạo ra một thị trường 850 triệu người, kết nối 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Hiệp định này được khởi động 20 tháng trước và đang trong vòng đàm phán thứ 8, mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ tạo ra bước đột phá.
Quá trình đàm phán kéo dài trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 2/2, đánh dấu vòng đàm phán đầu tiên kể từ tân chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhậm chức hồi tháng 11/2014.
Theo các nhà phân tích, TTIP sẽ một hiệp định tham vọng và “độc nhất vô nhị” trong lịch sử. TTIP không chỉ cắt giảm hàng rào thuế quan vốn đã rất thấp giữa Mỹ và EU, mà còn hài hòa các quy định theo một cấp độ “chưa từng có tiền lệ,” ảnh hưởng lớn tới hàng hóa và dịch vụ.
Một nguồn tin nội bộ của EU cho biết, EU đã nhận thức được các mức độ nhạy cảm của các vấn đề lo ngại trong TTIP, cũng như các chỉ trích đối với hiệp định này. Tuy nhiên, vướng mắc chính của thỏa thuận này là Mỹ muốn bao gồm cả các quy định về bảo vệ nhà đầu tư./.