Phát biểu trong chuyến thăm Trường Đại học President ở ngoại ô thủ đô Jakarta mới đây, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Robert O. Blake đã khẳng định rằng thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Indonesia đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước thông qua hội nhập kinh tế và những cơ hội mà nó đem đến.
Đại sứ Blake nhấn mạnh quan hệ đối tác kinh tế Mỹ-Indonesia, được thiết lập năm 2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai nước, và hiện hai trong năm nhóm làm việc trong khuôn khổ Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và đầu tư đang tập trung vào các vấn đề kinh tế cùng quan tâm và có ảnh hưởng đến nền kinh tế đôi bên.
Theo thống kê, trong năm 2013 Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Indonesia và là khách hàng lớn nhất về sản phẩm caosu, quần áo, giày dép, cá, càphê, chè, đồ nội thất, đồ chơi và nhạc cụ của Indonesia.
Điều này cho thấy Mỹ không chỉ nhập khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia mà còn là nhà tiêu thụ quan trọng nhất đối với nhiều ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công của đất nước “Vạn Đảo”. Ước tính, xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 2,5 triệu việc làm ở Indonesia.
Đại sứ Blake nêu rõ Mỹ không chỉ đơn giản là người mua sản phẩm mà còn là đối tác thực sự của Indonesia và các công ty Indonesia. Kể từ năm 1898, khi tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil bắt đầu khai thác dầu khí tại Sumatra, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư lớn vào Indonesia, tạo việc làm, đưa công nghệ mới và cung cấp các chương trình xã hội như nhà ở, giáo dục và dịch vụ y tế tại đây.
Theo một nghiên cứu do Ernst & Young phối hợp với Viện Chính sách công Paramadina và Đại học Gajah Mada của Indonesia tiến hành, các công ty Mỹ trong tám năm qua đã đầu tư 65 tỷ USD vào nền kinh tế Indonesia, chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai mỏ và chế tạo, và nếu môi trường pháp lý và kinh doanh ở Indonesia tiếp tục được cải thiện thì các doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư thêm 61 tỷ USD vào đất nước quần đảo này trong vong 5 năm tới.
Số liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia cho biết có gần 200.000 người Indonesia đang làm việc trực tiếp cho các công ty Mỹ tại Indonesia và đầu tư của các công ty Mỹ đã tạo ra 1,7 triệu việc làm gián tiếp tại đây.
Người Indonesia chiếm 95% lực lượng lao động trong các công ty do Mỹ sở hữu ở Indonesia, trong đó có nhiều người giữ chức vụ quản lý cấp cao. Mức lương trung bình của một lao động Indonesia cho một công ty Mỹ hiện cao hơn hai lần so với mức lương tối thiểu 2,2 triệu rupiah (khoảng 200 USD) ở thủ đô Jakarta.
Các công ty lớn của Mỹ tại Indonesia chi trung bình khoảng 2 triệu USD mỗi năm cho hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ và nhân viên của mình.
Đại sứ Blake cho biết thêm rằng các công ty Mỹ cũng đang đầu tư vào cộng đồng Indonesia, chẳng hạn như thông qua chương trình CSR. Các công ty Mỹ chi trung bình gần 6 triệu USD mỗi năm để cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân địa phương ở Indonesia, nhất là cho người khuyết tật, học bổng cho giáo dục, các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cải thiện dịch vụ y tế và bảo vệ môi trường./.