Mỹ và Trung Quốc lại chia rẽ sâu sắc trước vòng đàm phán mới

Mỹ cho biết việc khôi phục đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc quay trở lại với bản gốc của thỏa thuận hồi tháng 5, song hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ chấp nhận điều này.
Mỹ và Trung Quốc lại chia rẽ sâu sắc trước vòng đàm phán mới ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Theo Reuters, giới chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã quyết định sẽ gặp lại nhau vào tháng 10 tới nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa họ, song một sự hòa hợp bền vững giữa 2 nước có vẻ ngày càng xa vời hơn bao giờ hết.

Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụp đổ hồi tháng 5/2019, cả hai nước đều tăng thuế đánh vào hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên, phá vỡ những lời hứa tốt đẹp và công khai xúc phạm nhau.

Washington chỉ trích Bắc Kinh bội ước trong những cam kết thay đổi các luật của mình để kích hoạt những cải cách kinh tế, trong khi Bắc Kinh gọi các khoản thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “man rợ."

Hiện lãnh đạo cả hai nước đều tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng, bất chấp nền kinh tế trong nước đang giảm tốc mạnh mẽ.

Dưới đây là những chi tiết đáng chú ý:

Gặp gỡ trong bối cảnh các lời hứa bị phá vỡ

Các đại diện trong đội ngũ thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ nhóm họp vào giữa tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào đầu tháng 10 tới. Hai bên đã nhất trí thực hiện những bước đi để tạo các điều kiện thuận lợi, song không đưa ra chi tiết cụ thể nào.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai bên sẽ thay đổi những lập trường đã gây ra sự bế tắc hồi tháng 5, khi Bắc Kinh sửa lại một dự thảo của thỏa thuận thương mại, rút lại những xem xét thay đổi trong luật Trung Quốc. 

Các quan chức Mỹ vừa cho biết việc khôi phục đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc quay trở lại với bản gốc của thỏa thuận hồi tháng 5, song hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ chấp nhận bước đi này.

Bắc Kinh đã chỉ ra 3 vấn đề nan giải trong các cuộc đàm phán thương mại, đó là dỡ bỏ các loại thuế được áp đặt trong cuộc chiến thương mại, giảm mua hàng hóa Mỹ để Trung Quốc hỗ trợ việc giảm sự chênh lệch thương mại giữa hai bên, và sự cần thiết của một văn bản “cân đối” cho bất cứ thỏa thuận thương mại nào.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump gặp nhau ở Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 6/2019, Bắc Kinh đã cam kết sẽ mua 20 triệu tấn đậu tương của Mỹ, song sau đó họ lại chỉ mua một nửa số này.

Washington đã cam kết sẽ giảm bớt những hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei đã bị liệt vào danh sách đen, song không đưa ra sự miễn trừ nào.

Huawei và Hong Kong

Bắc Kinh đang rất mệt mỏi vì ông Trump quyết định liệt Huawei - tập đoàn sản xuất trang thiết bị công nghệ lớn nhất thế giới - vào danh sách đen, theo đó các công ty của Mỹ bị cấm làm ăn với tập đoàn này.

Quyết định này cũng đã thôi thúc nhiều công ty không phải ở Mỹ cắt đứt quan hệ với tập đoàn Huawei. Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ những hạn chế này, dù có thỏa thuận thương mại hay không, song Washington vẫn đang vận động các nước khác giảm giao thương với Huawei, và còn đe dọa sẽ liệt thêm các công ty khác của Trung Quốc vào danh sách đen. 

[Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm trong tháng Tám]

Những bình luận của ông Trump hôm 14/8, trong đó gắn các cuộc đàm phán thương mại thành công với cách xử lý “mang tính nhân văn” của Bắc Kinh với làn sóng biểu tình ở Hong Kong cũng kích động thêm căng thẳng giữa hai bên, đặc biệt là trong trường hợp làn sóng này ngày càng sôi sục.

Quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ

Trước khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi tháng 5, giới chức Mỹ cho biết hai bên đã có những tiến triển trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Trung Quốc đã đưa ra những cam kết về một loạt vấn đề mà Bắc Kinh chưa từng làm trước kia. Lần đầu tiên Trung Quốc thảo luận về sự ép buộc chuyển giao công nghệ với tư cách một vấn đề quan trọng.

Giới chức Mỹ đã chỉ ra những tiến triển trong vấn đề tội phạm mạng, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại. Họ cho biết Trung Quốc đã đề xuất sẽ đưa ra các khoản trợ cấp chính phủ theo đúng đường lối của Tổ chức Thương mại Thế giới, song không nói chi tiết sẽ làm thế nào.

Về phần mình, Mỹ đã giảm bớt những yêu cầu rằng Trung Quốc phải chấm dứt các trợ cấp chính phủ dành cho ngành công nghiệp, điều đỏi hỏi một sự thay đổi trong hình mẫu kinh tế do nhà nước quản lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận này bị hủy bỏ, ông Lighthizer đã phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc còn rút lại những cam kết trong các vấn đề thương mại số, bao gồm quyền tiếp cận của Mỹ với các dịch vụ điện toán đám mây tại Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã đề xuất mua lượng hàng hóa trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD trong sáu năm tới, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng, công nghiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nói rằng vẫn còn những bất đồng giữa hai bên về việc mua bán trên thực tế.

Thuế quan là một công cụ đàm phán

Một trong những vấn đề nan giải nhất trước khi các cuộc đối thoại sụp đổ hồi tháng 5 là việc chính quyền Trump có dỡ bỏ 25% thuế đánh vào 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay không. Mỹ đã muốn duy trì một số loại thuế đang áp dụng để đảm bảo Trung Quốc phải tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, song Trung Quốc đã yêu cầu phải dỡ bỏ tất cả các loại thuế ngay lập tức.

Kể từ đó, mọi thứ đã leo thang. Các khoản thuế này của Mỹ dự kiến còn tăng lên 30% bắt đầu từ ngày 1/10, ngày kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. 300 tỷ USD hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc cũng phải đối mặt với mức thuế 15% của Mỹ, một số đã có hiệu lực vào 1/9, một số sẽ được kích hoạt vào ngày 15/12.

Giới phân tích nhận định rằng Washington có thể chấp nhận trì hoãn viêc tăng thêm 5% thuế, và khả năng là cả mức thuế 15% dự kiến áp dụng từ tháng 12/2019, như một dấu hiệu của sự thiện chí dành cho Bắc Kinh, Trung Quốc, đã áp thuế 5% đối với dầu thô Mỹ từ ngày 1/9, cũng có thể sẽ trì hoãn việc áp dụng thêm các khoản thuế vào ngày 15/12, bao gồm 25% thuế đánh vào xe cộ sản xuất tại Mỹ và 5% thuế đánh vào các thiết bị ôtô mà họ đã tạm hoãn hồi tháng 12/2018.

Tác động của cuộc chiến thương mại ở trong nước

Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang trả tiền cho các khoản thuế của Mỹ, một tuyên bố bị giới bán lẻ và chế tạo Mỹ phản đối, mặc dù mới đây ông đã bắt đầu nhượng bộ khi nói rằng chiến tranh thương mại cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cũng là trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, hôm 5/9 cũng nhắc đến sức ép mà cuộc chiến thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc, song cũng cho biết Bắc Kinh có đầy đủ công cụ chính sách để giải quyết bất cứ khó khăn nào. Hầu hết giới phân tích Trung Quốc đều tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ tìm ra nhiều biện pháp nữa để thúc đẩy nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại.

Những vũ khí chưa được sử dụng

Trung Quốc đã nói họ sẽ thảo ra một danh sách các công ty nước ngoài mà họ cho là gây hại cho các công ty Trung Quốc. Đây được coi là một công cụ để trả đũa các công ty Mỹ vì hành động chống lại Huawei. Trung Quốc cũng đã nói rõ rằng họ sẽ phản đòn bằng cách hạn chế cung cấp nguyên liệu đất hiếm cho Mỹ. Đất hiếm là khoáng sản quan trọng đối với ngành chế tạo các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao và Trung Quốc đang là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới. Bắc Kinh còn có thể rút lại các đơn đặt hàng máy bay do tập đoàn Boeing, nhà xuất khẩu máy bay số 1 của Mỹ, sản xuất. Trump đang kêu gọi các công ty của Mỹ như General Motors rút các cơ sở chế tạo ra khỏi Trung Quốc.

Bối cảnh

Trung Quốc đã quyết tâm từ nay đến năm 2025 sẽ nâng cấp nền tảng công nghiệp trong 10 lĩnh vực chiến lược của họ, bao gồm không gian, người máy, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các phương tiện chạy bằng năng lượng mới. Một trong những lời than phiền lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đã sử dụng sự áp bức và đánh cắp trắng trợ để có được tài sản trí tuệ và các bí mật thương mại của Mỹ và cải tiến vị thế của mình trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao.

Giới chức Mỹ cho biết họ không quan tâm đến việc Trung Quốc gia tăng vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ, nhưng họ không muốn Trung Quốc đạt được điều này bằng cách đánh cắp hoặc có được một cách bất công các bí quyết của Mỹ hoặc nhờ có một thị trường mà ở đó các công ty Mỹ có lợi thế không công bằng.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc nhìn nhận các hành động của Mỹ là một nỗ lực tổng thể nhằm cản trở sự trỗi dậy của quốc gia châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Họ đã bác bỏ việc Trung Quốc đòi hỏi hay áp đặt việc chuyển giao công nghệ, nhấn mạnh rằng đây là những giao dịch thương mại giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trump đang tiếp tục thúc đẩy việc khởi tố các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ, và hạn chế thị thực cho sinh viên cũng như nghiên cứu sinh Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Mỹ đang thảo ra các dự luật hạn chế thị thực hơn nữa, từ chối thị thực cho các sinh viên có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này.

Tháng 6/2019, Bắc Kinh cảnh báo các sinh viên và giảng viên đại học về những rủi ro ở Mỹ, trong đó có viêc hạn chế gia hạn thị thực và từ chối thị thực.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cảnh báo các công ty đang hoạt động tại Mỹ rằng họ có thể phải đối mặt với sự quấy nhiễu từ việc áp đặt thực thi luật pháp của Mỹ, bạo lực súng đạn, nạn trộm cắp và cướp bóc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Thương mại song phương Việt Nam-Ba Lan

Những năm gần đây, thương mại hai nước Việt Nam-Ba Lan đã có được những động lực tăng trưởng đáng kể. Năm 2024, thương mại hai nước đạt 3,44 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Dự báo nguồn cung giảm, hồ tiêu được giá

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu dự báo tiếp tục sụt giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ ổn định là động lực giúp giá tiêu năm 2025 giữ ở mức cao, tạo đà cho xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.