Mỹ và Trung Quốc sẽ "đàm phán sâu rộng" về vấn đề khí hậu

Dự kiến, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu và người đồng cấp Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng về vấn đề này từ ngày 17-19/7 tới.
Mỹ và Trung Quốc sẽ "đàm phán sâu rộng" về vấn đề khí hậu ảnh 1Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Las Vegas, Nevada (Mỹ), ngày 14/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa dự kiến sẽ tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng về vấn đề khí hậu từ ngày 17-19/7.

Ngày 16/7, ông Kerry đã đến Trung Quốc để tái khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới.

Các cuộc đàm phán trong những ngày tới sẽ tập trung vào các vấn đề giảm phát thải khí methane, giảm sử dụng than đá, giảm thiểu tình trạng phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo đối phó với những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Kerry sẽ tích cực phối hợp với các quan chức Trung Quốc để thúc đẩy thành công của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11 tới - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Kerry cũng dự kiến công bố đóng góp tài chính cho nỗ lực quốc tế chống biến đổi khí hậu trong chuyến đi lần này.

Đây là chuyến đi thứ ba của ông Kerry đến Trung Quốc với vai trò là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh nắng nóng gay gắt khiến nhiều nơi trên thế giới liên tục lập kỷ lục về nhiệt độ trong những tuần vừa qua.

Tháng Sáu vừa qua đã trở thành tháng Sáu nóng nhất từng được ghi nhận - theo các cơ quan của Mỹ và và châu Âu. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm cho nắng nóng trở nên khắc nghiệt hơn.

Do một số vấn đề trong quan hệ song phương, các cuộc đàm phán về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đình trệ vào năm ngoái.

“Mối đe dọa hiện hữu”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 8/7 vừa qua cho biết Mỹ và Trung Quốc cần duy trì hợp tác trong việc tài trợ chống biến đổi khí hậu nhằm giải quyết “mối đe dọa hiện hữu” của tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Bà Yellen cho rằng với tư cách là hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới và là các nhà đầu tư lớn nhất về năng lượng tái tạo, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm chung và có khả năng đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

[Biến đổi khí hậu toàn cầu làm màu đại dương chuyển từ xanh lá sang lục]

Đây là một lĩnh vực then chốt của hợp tác - bà nhấn mạnh trong chuyến công du kéo dài bốn ngày tới Trung Quốc đầu tháng này.

Cũng vào đầu tháng này, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cảnh báo Biến đổi Khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.

Phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 3/7, ông Volker Turk cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ.

Ông trích dẫn số liệu chính thức, cho biết trong năm 2021 hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.

Giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau - ông Volker Turk nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nước đối mặt với cảnh báo rằng việc thế giới có thể giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức độ chấp nhận được hay không phụ thuộc vào khả năng gia tăng đầu tư quy mô lớn vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển.

Khoản đầu tư hằng năm chỉ để phát triển các nguồn năng lượng sạch ở các nước đang phát triển sẽ cần tăng lên gần 2.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới - theo ước tính Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra gần đây.

Đây là khoản đầu tư cần thiết để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng dưới dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là đạt được mức dưới 1,5 độ C theo các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục