Ngày 9/8, giới chức Mỹ thông báo sẽ xem xét các tài liệu mật liên quan đến loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm xác định nội dung nào có thể được công khai, đáp ứng nguyện vọng của gia đình nạn nhân.
Trong thư gửi Uỷ viên công tố quận phía Nam New York, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết “đã quyết định xem xét lại” đặc quyền trước đây về không tiết lộ một số tài liệu nhạy cảm và sẽ xác định thông tin thích hợp để công bố. Các đặc vụ của FBI cũng cho biết thêm cơ quan này sẽ công bố những thông tin đó "nhanh nhất có thể."
Cam kết của FBI là một phần trong cuộc chiến pháp lý được thân nhân của các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tiến hành chống lại Saudi Arabia và các quốc gia mà họ cho rằng là đồng phạm. Do những tranh cãi về mặt pháp lý, các chính quyền Mỹ trước đây yêu cầu giữ bí mật quốc gia và không công bố một số tài liệu liên quan đến vụ khủng bố này.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden ngày 9/8 cho biết ông hoan nghênh việc xem xét lại các tài liệu liên quan tới vụ khủng bố. Ông nêu rõ: “Chính quyền của tôi cam kết đảm bảo mức độ minh bạch tối đa theo luật pháp và tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt về việc sử dụng đặc quyền bí mật quốc gia."
[Sau khi Mỹ rút quân, tương lai của Afghanistan sẽ thuộc về Taliban?]
Mỹ đang chuẩn bị tưởng niệm 20 năm loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc. Một buổi lễ long trọng dự kiến diễn ra ở New York với sự tham gia của Tổng thống Biden. Hồi tuần trước, một số gia đình nạn nhân, người sống sót sau vụ tấn công và thành viên đội cứu hộ tuần đã công bố thư kiến nghị, nói rằng Tổng thống Biden sẽ không được chào đón tại lễ tưởng niệm cho tới khi "hoàn thành các cam kết."
Bức thư kêu gọi Chính phủ Mỹ công bố tất cả tài liệu và thông tin thu thập được trong cuộc điều tra loạt vụ tấn công. Truyền thông Mỹ cho biết thư kiến nghị này đã nhận được chữ ký của 1.700 người.
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp WTC tại thành phố New York. Chiếc máy bay thứ ba, Chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư, Chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.996 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD.
Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất của lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sỹ quan hành pháp thiệt mạng. Thảm kịch 11/9/2001 cũng đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Bất chấp Chính phủ Saudi Arabia luôn phủ nhận, thân nhân hàng trăm nạn nhân và những người bị thương cùng hàng chục công ty bảo hiểm Mỹ đã khởi kiện Saudi Arabia tại tòa án Mỹ căn cứ theo đạo luật Chống tài trợ cho hành vi khủng bố (JASTA). Đạo luật này cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu các chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm./.