Myanmar bác tin sai lệch về tình hình bang Rakhine

Myanmar phản đối mạnh mẽ những thông tin sai lệch về tình hình bang Rakhinee và những vấn đề liên quan đến tôn giáo-sắc tộc tại đây.
Ngày 23/8, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra thông cáo báo chí đăng lại toàn văn Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Myanmar phản đối mạnh mẽ những thông tin sai lệch về tình hình ở bang Rakhinee của nước này cũng như những vấn đề liên quan đến các cộng đồng tôn giáo-sắc tộc tại đây.

Thông cáo đồng thời khẳng định Chính phủ Myanmar không bao giờ thực hành chính sách bạo lực chống người Hồi giáo hay bất cứ cộng đồng tôn giáo nào khác và hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc của một số tổ chức đối với Myanmar về vấn đề này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Myanmar nhấn mạnh rằng một số cá nhân và tổ chức nước ngoài đã đưa ra tuyên bố dựa trên những thông tin bịa đặt, sai lệch của một số tổ chức và hãng thông tấn nước ngoài về những gì xảy ra gần đây tại bang Rakhine.

Bộ Ngoại giao Myanmar khẳng định tình trạng bạo lực ở bang Rakhine không phải là cuộc xung đột giữa hai nhóm tôn giáo có đức tin khác nhau và cũng không phải là vấn đề nhân đạo, mà chỉ là xung đột bạo lực giữa hai cộng đồng trong một nhà nước của Myanmar, xảy ra sau một hành vi vi phạm pháp luật, dẫn tới bạo loạn làm 88 người thiệt mạng, trong đó có 31 người theo đạo Phật và 57 người theo đạo Hồi.

Tuyên bố nêu rõ Chính phủ Myanmar đã ngay lập tức hành động một cách hoàn toàn kiềm chế để khôi phục pháp luật và trật tự tại những nơi xảy ra bạo loạn; trật tự tại bang Rakhine đang được cải thiện và tình hình nói chung tại đây đang trở lại bình thường.

[Myanmar lập Ban điều tra xung đột ở bang Rakhine]


Tuyên bố cho biết Chính phủ Myanmar đã và đang làm việc chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong các hoạt động cứu trợ và giúp đỡ cho cả hai cộng đồng tôn giáo tại Rakhine một cách minh bạch và không phân biệt đối xử; đã giải thích chi tiết những gì đã xảy ra và sắp xếp chuyến đi quan sát tình hình thực tế tại Rakhine cho Ngoại giao đoàn và các cơ quan Liên Hợp quốc tại Myanmar.

Ngoài ra, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Vijay Nambiar, Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người Thomas Ojea Quintana, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ahmet Davutoglu dẫn đầu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Indonesia Yusuf Kalla, Đại diện và Trợ lý Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Atta Al-manam Bakhit đã đến thăm bang Rakhine.

Theo đề nghị của Tổng thư ký OIC, Chính phủ Myanmar cũng đã mời Tổng thư ký OIC đến thăm vào một thời điểm thích hợp.

Myanmar hoan nghênh tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phản ánh đúng sự thật tình hình về bang Rakhine, đồng thời khẳng định xung đột tại Rakhine hoàn toàn là công việc nội bộ của một nhà nước có chủ quyền và không liên quan đến bất kỳ hình thức đàn áp hay kỳ thị tôn giáo nào, do vậy Myanmar không chấp nhận những ý đồ chính trị muốn khu vực hóa hay quốc tế hóa cuộc xung đột này như một vấn đề tôn giáo, không những không đóng góp vào việc tìm kiếm giải pháp mà chỉ làm tình hình Myanmar thêm phức tạp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục