"Mỹ-Trung Quốc cần hòa giải trong vấn đề tỷ giá"

Theo giới chuyên gia, thay vì chỉ trích lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc cần tìm cách hòa giải quanh vấn đề tỷ giá giữa Nhân dân tệ và USD.
Những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD đang được giới chuyên gia quan tâm.

Giáo sư tài chính và thương mại quốc tế Jeffrey Garten thuộc Đại học Yale (Mỹ) cho rằng thay vì chỉ trích lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc cần tìm cách hòa giải quanh vấn đề này để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế mỗi nước nói riêng và sự phục hồi mong manh sau khủng hoảng của kinh tế thế giới nói chung.

Giáo sư Garten nhận định càng gần đến ngày 15/4 - thời hạn chót để Bộ Tài chính Mỹ quyết định có coi Trung Quốc là “thao túng tiền tệ” hay không, bầu không khí càng trở nên ngột ngạt.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng chỉ trích bên kia là bảo hộ trong chính sách hối đoái. Ông cho rằng hành động của Mỹ ép Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ sẽ đưa thế giới tiến gần hơn tới tái khủng hoảng tài chính và cuộc chiến tranh thương mại mà không bên nào mong muốn sẽ gây tổn hại cho kinh tế của cả hai nước.

Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ đã cố ý giữ giá Nhân dân tệ thấp để tạo lợi thế xuất khẩu và tuyên bố sẽ không lùi bước trước sức ép của Mỹ.

Theo luật thương mại của Mỹ, Bộ Tài chính có quyền áp đặt mức thuế cao, thậm chí tới 20%, đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu xác định Bắc Kinh thao túng chính sách tiền tệ. Bước đi này sẽ không chỉ gây tổn hại cho kinh tế hai nước, mà còn nguy hiểm cho cả nền kinh tế toàn cầu đang còn mong manh.

Theo Giáo sư Garten, cả Washington lẫn Bắc Kinh cùng có lỗi trong việc để căng thẳng tài chính và thương mại leo thang. Tuy nhiên hiện vẫn có cách để tháo gỡ căng thẳng, đó là hai bên cùng bớt tố cáo lẫn nhau, cùng ngồi vào bàn đàm phán và lôi kéo các nước khác vào thỏa thuận tiền tệ toàn cầu mới.

Sau khi bị giảm hai con số trong năm 2009, thương mại toàn cầu đã phục hồi nhanh trong thời gian gần đây, nhưng đó là sự phục hồi từ con số thấp.

Cuộc “so găng” giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn tới bảo hộ mậu dịch, điều mà nhiều nhà quan sát lo ngại có thể xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Áp lực bảo hộ mậu dịch có thể tăng lên, do thất nghiệp ở các nước phương Tây vẫn cao; do Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác muốn nới lỏng tỷ giá để thúc đẩy xuất khẩu, điều có thể dẫn tới nguy cơ chạy đua giảm giá tiền tệ.

Nếu căng thẳng thương mại xảy ra, nó có thể làm rối loạn thị trường tài chính và đẩy thế giới vào suy thoái kép.

Vì thế, theo Giáo sư Garten, trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để đối phó với hàng loạt vấn đề toàn cầu phức tạp, Mỹ và Trung Quốc cần tránh đối đầu, dịu giọng chỉ trích lẫn nhau và cùng với Liên minh châu Âu và Nhật Bản thảo luận về tình trạng mất cân đối toàn cầu.

Một thỏa thuận giữa các nước nhập siêu và xuất siêu lớn có thể là bước đi đầu tiên để lập lại trật tự kinh tế toàn cầu, vốn dựa quá lâu vào tiêu dùng của người Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục