Tranh cãi đảng phái về vấn đề ngân sách, bế tắc trong hầu hết các vấn đề đối nội, Quốc hội và các bang đưa đơn kiện tổng thống, các điểm “nóng” chưa được giải quyết, quan hệ với các nước lớn không thuận buồm xuôi gió,…là bức tranh khái quát về tình hình nước Mỹ năm 2014 - một năm bị người dân mô tả là mệt mỏi và bế tắc.
Điểm sáng nhất trong năm 2014 là sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 và quý 3 đạt mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua (4,6% và 5,0%), nền kinh tế Mỹ được nhìn nhận là điểm sáng trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu, nhất là so với kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro và hai nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản.
Kinh tế tăng trưởng nhanh làm cho mức thâm hụt ngân sách liên bang giảm mạnh, tài khóa 2014 chỉ ở mức 483,3 tỷ USD so với đỉnh điểm 1.420 tỷ USD của năm 2009. Kinh tế tăng trưởng cao góp phần làm cho thị trường lao động giữ được đà cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp vào thời điểm cuối năm là 5,8%, giảm mạnh so với đỉnh cao 10% hồi tháng 10/2009.
Đà phát triển ổn định hơn của nền kinh tế cộng với sự cải thiện của thị trường lao động là động lực chính khiến Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) cuối năm 2014 quyết định ngừng toàn bộ chương trình cứu trợ hơn 4.000 tỷ USD vốn theo đuổi từ tháng 12/2008.
Kinh tế phát triển, nhưng cử tri Mỹ lại mệt mỏi chứng kiến cuộc đấu đá giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, khiến hầu hết các vấn đề đối nội bị bế tắc và chính phủ liên bang nhiều lần bị dồn tới nguy cơ phải đóng cửa.
Do bế tắc, năm 2014 đã trở thành “Năm hành động” với việc Tổng thống Obama qua mặt Quốc hội đơn phương sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp để cải cách luật nhập cư, buộc phe Cộng hòa hoặc lên tiếng chỉ trích hoặc đâm đơn kiện ông chủ Nhà Trắng “vi hiến.”
Tranh cãi khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ cả Tổng thống Obama và Quốc hội đều giảm xuống mức thấp kỷ lục với 81% số người được hỏi ý kiến không hài lòng với sự chia rẽ về chính trị chưa từng có hiện nay.
Nước Mỹ năm 2014 cũng không yên ả với sự bùng nổ làn sóng biểu tình tại hàng chục thành phố phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát sau vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da đen Michael Brown tại thị trấn Ferguson, bang Missouri, nhưng không bị đưa ra xét xử.
Vụ việc gây căng thẳng tới mức Tổng thống Obama đã phải đề nghị Quốc hội khoản ngân sách 263 triệu USD để chỉnh đốn lực lượng cảnh sát, trong đó 75 triệu USD mua 50.000 camera gắn vào người để ghi lại các hành xử của các sỹ quan cảnh sát khi thực thi nhiệm vụ.
Làn sóng chỉ trích gay gắt còn bùng nổ ở cả trong nước và quốc tế sau vụ Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo mô tả chi tiết các biện pháp thẩm vấn tàn bạo của các sĩ quan Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đối với các nghi can khủng bố bị bắt sau vụ tấn công 11/9/2001.
Nhiều ngày trước khi bản báo cáo được công bố, Nhà Trắng đã ra lệnh tăng cường an ninh tại các cơ sở của Mỹ trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Hồi giáo, do lo ngại xảy ra các hành động tấn công khủng bố trả thù.
Về đối ngoại, thành tích nổi bật nhất là Tổng thống Obama quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba. Với bước ngoặt này, ông Obama đã để lại một dấu ấn trong lịch sử ngoại giao Mỹ với tư cách là người đặt dấu chấm hết cho một trong những di sản còn lại cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Bản thân ông Obama cũng xác định đây là sự thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách của Mỹ trong hơn 50 năm qua với lý do “bao vây cấm vận là cách tiếp cận lỗi thời và thất bại”. Ông cũng hối thúc Quốc hội Mỹ sớm có hành động tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kéo dài hơn nửa thế kỷ qua đối với Cuba.
Trái ngược với diễn biến tích cực trên, năm 2014, quan hệ Mỹ-Nga được đánh giá là ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu do tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Với thực trạng hiện nay, chủ trương của Tổng thống Obama “cài đặt lại” quan hệ với Nga không chỉ hoàn toàn thất bại, mà thậm chí còn làm gia tăng sự đối đầu giữa hai cường quốc này. Mỹ đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt hòng bóp nghẹt nền kinh tế Nga, trong khi Moskva cảnh báo sẽ trả đũa nếu Washington cung cấp thiết bị chiến tranh, đổ thêm dầu vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Quan hệ giữa Mỹ với nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc trong năm 2014 được đánh dấu bằng chuyến thăm Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh APEC của Tổng thống Obama và hai bên đã nhất trí hợp tác trong một số lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giữa hai nước cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhất là trong vấn đề tin tặc, tỷ giá hối đoái, cán cân buôn bán và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mỹ luôn cảnh báo Trung Quốc phải kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực. Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Ấn có những diễn biến tích cực với việc hai nước tiến hành vòng đàm phán thương mại chính thức đầu tiên trong vòng 4 năm qua và cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và các sản phẩm công nghệ cao.
Khi lên cầm quyền, Tổng thống Obama cam kết rút quân khỏi hai cuộc chiến hao người tốn của ở Iraq và Afghanistan, song năm 2014, Washhington lại phải phát động cuộc chiến không biết bao giờ mới có hồi kết nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Sria.
Với Afghanistan, Mỹ vừa đạt được thỏa thuận để lại quốc gia này hơn 10.000 quân sau năm 2014 nhằm cố vấn và giúp huấn luyện lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á này.
Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bế tắc, trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu chuyển biến mặc dù đầu tháng 12, đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Triều Tiên đã tới Trung Quốc để thảo luận khả năng nối lại đàm phán 6 bên bị đình trệ suốt từ năm 2008. Tiến trình hòa bình Trung Đông gặp nhiều trắc trở bất chấp các nỗ lực ngoại giao “con thoi” của Ngoại trưởng John Kerry.
Năm 2014, Mỹ tiếp tục triển khai những bước đi cụ thể trong chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Obama bày tỏ lạc quan về khả năng trong hai năm cầm quyền còn lại sẽ hoàn tất tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ TPP vì hiệp định này gồm các quốc gia chiếm tới hơn 40% nền kinh tế toàn cầu và khi được ký kết, TPP sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ.
Tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Jakarta, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel cũng khẳng định lại cam kết của Washington tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN trong tất cả các lĩnh vực.
Khép lại năm 2014 với nhiều biến động, tình hình nước Mỹ năm 2015 được dự báo không có dấu hiệu sáng sủa hơn.
Với Quốc hội khóa 114 do đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối, dự kiến bắt đầu nhóm họp từ tháng 1/2015, đa số người dân Mỹ cho rằng nước Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng bế tắc hơn trong hai năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Obama, nhất là trong bối cảnh năm 2016 cử tri Mỹ sẽ bầu lại tổng thống./.