Năm 2014: Ngành Thông tin Truyền thông được đổi mới toàn diện

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, năm 2014 là năm đổi mới trong điều hành, quản lý và sản xuất kinh doanh của ngành thông tin và truyền thông
Năm 2014: Ngành Thông tin Truyền thông được đổi mới toàn diện ảnh 1Quyết liệt trong ngăn chặn tin nhắn rác (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: Năm 2014 có thể coi là năm đổi mới trong điều hành, quản lý và sản xuất kinh doanh của ngành thông tin và truyền thông với nhiều dấu mốc quan trọng, tạo đà cho sự phát triển trong những năm tới, góp phần quan trọng vào kết quả chung của cả nước

Theo đó, năm 2014 là năm có số lượng đề án do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, tham mưu được Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nhất từ trước đến nay với 21 đề án.

Nhiệm vụ quản lý, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được tập trung thực hiện với việc xây dựng và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015; tập trung xây dựng mô hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là việc nâng cấp Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông Mobifone, thành lập 03 tổng công ty trực thuộc VNPT. Công tác chia tách giữa Tổng công ty VTC và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giữ vững tốc độ phát triển cao, có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu, ngân sách nhà nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước… 

Phó Thủ tướng cho rằng, bước sang 2015,  năm bản lề trong triển khai các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là năm diễn ra nhiều dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ngành thông tin truyền thông cần đẩy mạnh thông tin tạo sự đồng thuận của toàn dân để đưa đất nước vươn lên, phát triển nhanh, mạnh và bền vững, thu hẹp khoảng cách với thế giới.

Nhằm phản ánh đầy đủ và sinh động tình hình chính trị - kinh tế - xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính xác và kịp thời. 

Đối với lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực đòi hỏi đổi mới liên tục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp có thể phát triển công nghệ thông tin đồng đều cho các vùng trong cả nước; đồng thời, có sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, các cấp trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành ở các cơ quan nhà nước. 

Trong lĩnh vực xuất bản, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần khuyến khích sự tham gia liên kết của các thành phần kinh tế vào công tác xuất bản nhưng phải giữ được định hướng, không để xảy ra tình trạng xuất hiện các xuất bản phẩm lệch lạc. 

Liên quan đến vấn đề tin nhắn rác đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: đây là cuộc xung đột giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xem xét giải quyết vấn đề này trên cơ sở đặt lợi ích của đa số người dân lên trên hết. 

Tại hội nghị, trước những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, điều hành của ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. 

Cụ thể, Bộ trưởng đề xuất tăng cường tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho ngành, nhất là ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đặc biệt theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ được tổ chức một số đơn vị mới như Cục An toàn thông tin, Vụ Thông tin cơ sở. Đây là những đơn vị rất cần thiết hiện nay trong việc thực hiện an toàn thông tin trên môi trường mạng và thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền ở cơ sở lâu nay bỏ trống, nên cần có biên chế hợp lý để thực hiện nhiệm vụ. 


Bộ trưởng cũng đề nghị có mục chi ngân sách riêng cho ngành Thông tin và Truyền thông. Vì chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành thông tin và truyền thông hiện nay bao gồm việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin từ Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (trước đây) và chức năng quản lý nhà nước về thông tin từ Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây). Tuy nhiên trong hệ thống các chỉ tiêu về quản lý dự toán ngân sách nhà nước, các khoản thu, chi cho ngành Thông tin và Truyền thông vẫn còn gộp chung vào với ngành Văn hoá.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét chỉ đạo, hướng dẫn trong quản lý ngân sách nhà nước, có sự phân tách thành chỉ tiêu riêng về thu, chi ngân sách của ngành Thông tin và Truyền thông trong quá trình lập, theo dõi thực hiện ngân sách nhà nước và có chỉ đạo phân bổ ngân sách cho lĩnh vực công nghệ thông tin từ cơ cấu chi ngân sách dành cho lĩnh vực khoa học công nghệ hiện nay để các cấp thống nhất thực hiện. 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành các đề án: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020…..

Đồng thời, bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện tốt mục tiêu các đề án đã được phê duyệt: Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục