Năm 2019 - năm đầy thử thách với quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống S-400, vốn được thiết kế để bắn hạ các chiến đấu cơ của NATO, đánh dấu sự rạn vỡ lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng thập kỷ qua.
Năm 2019 - năm đầy thử thách với quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP)

Năm 2019 thực sự là một năm đầy thử thách đối với quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Viện nghiên cứu Trung Đông, bất chấp hàng tháng trời gây áp lực và đe dọa trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận đơn hàng đầu tiên các trang thiết bị của hệ thống tên lửa S-400 của Nga hồi tháng 7/2019.

Để đáp trả, Mỹ quyết định loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chiến đấu cơ hiện đại F-35.

[Liệu những bế tắc trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã được tháo gỡ?]

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những khách hàng lớn nhất mua F-35, đã có kế hoạch mua 100 chiếc F-35.

Ngoài ra, Ankara còn tham gia chương trình sản xuất F-35 với tư cách là một trong 8 quốc gia đối tác từ năm 2002, sản xuất khoảng 900 bộ phận cho F-35.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống S-400, vốn được thiết kế để bắn hạ các chiến đấu cơ của NATO, đánh dấu sự rạn vỡ lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng thập kỷ qua.

Động thái này diễn ra vào đúng thời điểm Mỹ đang tỏ ra quan ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Nga ở cả trong nước và trên trường quốc tế.

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng việc Nga bán hệ thống S-400 cho một đồng minh của Mỹ trong NATO là biển hiện mới nhất về những nỗ lực của Nga nhằm dần loại bỏ sức mạnh vượt trội của Mỹ.

Sau phi vụ chuyển giao S-400, các nghị sỹ cả Cộng hòa và Dân chủ đã hối thúc Tổng thống Trump áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ theo dự luật nghiêm cấm buôn bán làm ăn với quân đội Nga (CAATSA), được thông qua hồi năm 2017.

Tuy nhiên, Chính quyền Trump đã không thông qua việc trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực Đông Bắc Syria đã gây khó khăn cho Chính quyền Trump trong việc ngăn chặn các nỗ lực của Quốc hội muốn trừng phạt Ankara.

Trong một tín hiệu với Quốc hội về việc Chính quyền không nhất trí với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump đã ký một sắc lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức và 2 bộ của nước này vì hành động quân sự tại Syria.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tái áp đặt thuế 50% đối với thép của Thổ Nhĩ Kỳ và dừng ngay lập tức các cuộc đàm phán thương mại với Ankara.

Các biện pháp trừng phạt chỉ được gỡ bỏ sau các cuộc đàm phán do Phó tổng thống Mike Pence dẫn đầu thực hiện.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ dường như vẫn chưa buông tha cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau những nỗ lực của các thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Menendez và Ted Cruz để thông qua một nghị quyết nhưng bị chặn lại theo yêu cầu của Nhà Trắng, Thượng viện Mỹ hồi tuần trước cũng đã quyết định thông qua một nghị quyết, theo đó chính thức buộc tội thảm sát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Armenia.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện còn bỏ phiếu về các biện pháp trừng phạt đối với Ankara do hành động quân sự tại Syria cũng như việc mua S-400 của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã rất giận dữ và đe dọa đóng cửa căn cứ không quân Incirlik, nơi chứa các đầu đạn hạt nhân của Mỹ, cũng như căn cứ radar Kurecik.

Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ báo hiệu một mức thấp mới trong quan hệ phòng thủ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây.

Năm 2019 sắp kết thúc, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn diễn biến phức tạp khi mà hai bên vẫn chưa có bất kỳ giải pháp hòa giải nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục