Những nam thanh niên thế hệ Gen Z tại Mỹ đang chi hàng nghìn USD cho việc “tối ưu hóa ngoại hình” - một xu hướng trên mạng xã hội, được thực hiện bằng mọi cách, từ các chế độ ăn kiêng và tập luyện đến việc sử dụng botox và phẫu thuật thẩm mỹ để có được một gương mặt góc cạnh hoàn hảo.
“Có rất nhiều nam giới đang tìm cách để có được một khuôn mặt cân đối. Hầu hết đều mong muốn có một đường quai hàm chắc khỏe và một vẻ ngoài như điêu khắc,” Tiến sỹ Jennifer Levine, bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ ở Upper East Side, cho biết trên New York Post.
Cô cho biết kể từ năm 2020, lượng nam giới trong độ tuổi 20 tìm đến trung tâm để phẫu thuật đường viền hàm đã tăng 400% bởi họ cho rằng hàm vuông là biểu hiện cho nam tính. Cô cũng cho biết họ thường lấy tạo hình của nhân vật Patrick Baterman trong bộ phim “American Psycho” làm tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, một số cá nhân khác, như Lewis Friedenthal, 23 tuổi, sống tại New York, lại muốn trông mình giống như người mẫu thời trang Jordan Barrett với khuôn hàm vuông vức.
“Tôi muốn mọi thứ trông sắc nét hơn,” anh cho biết trên NYP. “Tôi đã ngắm nhìn tất cả những người mẫu nam và muốn có được một cấu trúc xương giống như họ.”
Đầu tiên, anh thử áp dụng phương pháp “softmaxxing,” một cách để có được vẻ ngoài như ý mà không cần phẫu thuật thẩm mỹ. Anh thậm chí đã thử nghiệm các phương pháp rất kỳ quặc như uốn lưỡi để kêu meo meo, hay nhai kẹo cao su mastic để tạo đường nét cho khuôn mặt của mình. Sau đó, anh đành chi 1.000 USD để tiêm Botox và hạ đường cung lông mày khiến chúng trông cân đối hơn.
“Lông mày của tôi không đều. Tôi muốn chúng thẳng hơn và hơi nâng lên ở góc cuối. Đàn ông muốn có ánh mắt như những thợ săn mồi,” Friedenthal nói, đồng thời cũng cho biết thêm anh sẽ tiếp tục phẫu thuật chỉnh sửa khi cần thiết.
Giờ đây, việc áp dụng những biện pháp có tính thường xuyên nhằm chăm sóc bản thân hoặc làm thay đổi ngoại hình đã trở nên khá phổ biến trong giới trẻ ở Mỹ, được gọi bằng các xu hướng “maxxing,” trong đó phổ biến nhất là “lookmaxxing.”
Họ cũng chi hàng trăm USD cho các loại nước hoa hàng hiệu, khi muốn “maxxing” mùi, hoặc gymmaxxing, dành thời gian tại các phòng tập thể lực.
Kareem Shami, một thanh niên 23 tuổi sống ở San Diego, California, là một thành viên nổi tiếng trong cộng đồng “softmaxxing” trên TikTok, nơi anh có 1,6 triệu người theo dõi. Anh ấy sử dụng tên gọi @syrianpsycho, nhằm ám chỉ Syria, quê hương của anh ấy, và nhân vật Patrick Bateman.
Kareem cho biết khi còn là một thiếu niên, anh ấy luôn cảm thấy mình như một người nhập cư bị ruồng bỏ, và quyết định sẽ đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc chăm sóc da và tập thể dục, tập trung vào những gì anh ấy “có thể kiểm soát.” Mà đối với anh, đó là cách để bạn cải thiện vẻ ngoài cũng như lời nói.
Còn với Friedenthal, sau một thời gian “softmaxxing,” cuối cùng đã chọn lựa chọn việc can thiệp bằng phẫu thuật, hay còn gọi là “hardmaxxing,” để có được vẻ ngoài như mong muốn.
Anh đã đến trung tâm thẩm mỹ Levine để hút mỡ vùng má thông qua các vết mổ nhỏ bên trong khoang miệng, đồng thời loại bỏ mỡ cằm và làm sắc nét đường viền hàm, tổng chi phí hết khoảng 7.000USD. Đây là số tiền mà anh ấy kiếm được từ các đợt thực tập có lương, cũng như tiền công làm việc tại một tiệm bán thuốc nhuộm da.
“Tôi không cần nó, nhưng tôi muốn nó,” Friedenthal nói về quá trình phẫu thuật của mình. “Đối với tôi, đó là những thay đổi tinh tế.”
Tuy nhiên, dù nhìn bên ngoài có vẻ vô hại, nhiều người lại cho rằng “Looksmaxxing” là một xu hướng nguy hiểm, khiến người tham gia bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
Những ám ảnh về ngoại hình này đã tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của nam giới. James, một người giấu danh tính, chia sẻ rằng anh lần đầu tiên biết đến cộng đồng “looksmaxxing” khi mới 16 tuổi và kể từ đó cuộc đời anh đã thay đổi mãi mãi.
Chàng trai trẻ 20 tuổi cho biết trên The Guardian: “Họ đăng tải những bức ảnh về những người khoe cơ thể ấn tượng và nói: ‘Các bạn đã quên không rèn luyện gương mặt của mình’.”
James thừa nhận anh đã chi khoảng 11.000 USD cho các cuộc phẫu thuật và có thể sẽ chi thêm hàng nghìn USD nữa để chỉnh lại cằm.
Theo James, xu hướng này khiến các chàng trai trẻ cảm thấy thiếu tự tin về bản thân đến mức phải chi ra hàng nghìn USD để chỉnh sửa gương mặt mình.
Thậm chí, một số video clip còn đề xuất những cách thức vô cùng cực đoan để thay đổi diện mạo như “đập xương,” một phương thức điên rồ dạy cách tác động liên tục vào xương gò má hoặc xương hàm bằng một vật cứng như búa, để tạo ra các vết gãy nhỏ, với cam kết sau khi lành lại, gương mặt sẽ trở nên góc cạnh hấp dẫn hơn.
Đáng ghê tởm hơn, tại những diễn đàn “đen” của Internet, nhiều đối tượng đã khuyến khích việc thay đổi ngoại hình như một cách để “nâng cấp giá trị tình dục” của bản thân, đưa ra những phép đo chưa được kiểm chứng về mối liên quan giữa các đường nét của khuôn mặt với khả năng tình dục của mỗi người./.