Năm học 2020-2021 và bước khởi đầu chương trình mới nhiều khó khăn

Hai vấn đề nổi bật của giáo dục tiểu học trong năm học 2020-2021 là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 và thích ứng với tác động của dịch COVID-19.
Năm học 2020-2021 và bước khởi đầu chương trình mới nhiều khó khăn ảnh 1Học sinh tiểu học học trực tuyến để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hôm nay, 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 đối với giáo dục tiểu học. Đây cũng là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên cả nước, bắt đầu với lớp 1. Trong bối cảnh vừa triển khai chương trình mới, vừa chịu tác động của dịch COVID-19, bậc tiểu học nói riêng và ngành giáo dục nói chung đã có một năm học với rất nhiều khó khăn.

Vừa dạy, vừa điều chỉnh

Năm học 2020-2021 là một dấu mốc đặc biệt của ngành giáo dục khi chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực thi ở các nhà trường sau 7 năm “thai nghén”.

Chương trình giáo dục mới với tinh thần chuyển từ dạy học nhồi kiến thức sang hình thành năng lực người học, từ vai trò truyền thụ sang hướng dẫn của người thầy, từ sự thụ động sang chủ động của người học, từ phương pháp giảng dạy giảng giải thuần túy của thầy với trò sang hợp tác cùng xây dựng bài học.

Chương trình mới cũng thực hiện đa dạng sách giáo khoa với nhiều bộ sách, đầu sách khác nhau để các nhà trường, giáo viên lựa chọn phù hợp với đặc thù riêng của đơn vị mình. Theo đó, riêng lớp 1 có 5 bộ sách.

Với những điểm mới đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được các nhà trường và cả xã hội trông đợi, dõi theo khi lần đầu tiên được hiện thực hóa trong các nhà trường trong năm học 2020-2021. Những lớp học với không khí học tập sôi nổi hơn, học sinh mạnh dạn hơn, chương trình được điều chỉnh linh hoạt hơn là những điểm cộng của chương trình mới ở lớp 1 đã được nhiều trường ghi nhận.

[Tổng chủ biên sách Cánh Diều trải lòng về sách Tiếng Việt lớp 1]

Tuy nhiên, cũng ngay trong năm đầu triển khai, chương trình lớp 1 đã khiến phụ huynh “dậy sóng” khi phát hiện hàng loạt “sạn” trong sách giáo khoa, đặc biệt là ở bộ sách Cánh Diều. Tiêu biểu như việc dùng từ ngữ có phần ngô nghê, khiên cưỡng; việc tách một bài đọc thành hai phần riêng biệt khiến ngữ nghĩa của câu chuyện bị biến đổi theo hướng tiêu cực, không phù hợp với học sinh; việc lạm dụng tác phẩm văn học nước ngoài… Điều này đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi về chất lượng của hội đồng và quy trình thẩm định sách giáo khoa khi sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt yêu cầu thẩm định, sách đến tay học sinh nhưng vẫn nhiều “sạn’.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải điều chỉnh quy trình thẩm định sách, yêu cầu nhà xuất bản sách Cánh Diều điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp. Hơn một triệu bản điều chỉnh nội dung sách Cánh Diều đã được phát tới các nhà trường ngay trong năm học để kịp thời khắc phục các lỗi của ấn phẩm này. Bộ cũng yêu cầu tất cả các đơn vị xuất bản phải rà soát lại toàn bộ sách lớp 1 mới. Kết quả rà soát cho thấy cả 4 bộ sách còn lại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có “sạn” cần phải chỉnh sửa.

Năm học 2020-2021 và bước khởi đầu chương trình mới nhiều khó khăn ảnh 2Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều với phần bài đọc gây bức xúc trong dư luận. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Không chỉ về ngữ liệu trong sách giáo khoa, nội dung chương trình lớp 1 mới cũng khiến cho các nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh lo lắng ngay khi năm học mới 2020-2021 chỉ chính thức bắt đầu được vài tuần. Với việc tăng thời lượng môn Tiếng Việt lên 70 tiết so với chương trình cũ, tổng số 420 tiết, mỗi tuần 12 tiết, khiến tiến độ môn học bị đẩy nhanh đã khiến cho nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cảm thấy áp lực khi con chưa kịp đánh vần đã chuyển sang đọc hiểu.

[Dạy Tiếng Việt lớp 1: Bộ trao quyền chủ động, giáo viên vẫn thấy khó]

Trước vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho hay việc tăng thời lượng môn Tiếng Việt nhằm giúp học sinh sớm biết đọc. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng khẳng định chương trình mới đã được thực nghiệm, lấy ý kiến phản biện trước khi triển khai trong khi thời gian thực hiện chương trình mới chỉ vài tháng, chưa đủ căn cứ khoa học để kết luận. Ông Tài cũng cho hay trong chương trình giáo dục phổ thông mới có quy định về việc trong quá trình triển khai sẽ có thể điều chỉnh nội dung để phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp và nếu có điều chỉnh sẽ phải trên cơ sở các căn cứ nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai chương trình lớp 1, chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về các nghiên cứu khoa học để kết luận vấn đề này.

Chịu tác động mạnh từ dịch bệnh

Năm học 2020-2021 tiếp tục là một năm học chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, quy mô rộng hơn. Ngành giáo dục ở nhiều địa phương đã phải nhiều lần cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch bệnh, chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Nếu năm học 2019-2020, học sinh chỉ phải học trực tuyến thì năm học 2020-2021, lần đầu tiên ngành giáo dục phải tổ chức thi trực tuyến.

Với giáo dục tiểu học, điều này càng khó khăn hơn, đặc biệt là ở lớp 1, 2 khi các em còn quá nhỏ, chưa hình thành được thói quen và ý thức được việc học, chưa thể tự làm chủ được các thiết bị công nghệ để học trực tuyến. Nội dung học của các lớp này cũng khó triển khai dạy trực tuyến hơn so với các bậc cao hơn. Vì thế, với học sinh lớp 1 và 2, các nhà trường đã phải bố trí dạy trực tuyến vào buổi tối để phụ huynh có thể ở bên hỗ trợ con. Nhiều địa phương thậm chí phải dừng việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 vì nhiều bất cập.

Học đã khó, thi càng khó. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phải trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét lên lớp với học sinh lớp 1, 2 thay vì thi trực tuyến vì với nhiều em, ngay cả việc di chuột máy tính cũng khó khăn, chưa nói đến thi trực tuyến.

[Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1]

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 của bậc tiểu học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc tiểu học. Vì thế, trong thách thức chung của ngành, phải nhìn thấy thách thức riêng của bậc tiểu học, như các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến…

Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo linh hoạt trong triển khai kế hoạch năm học mới, tận dụng “thời gian vàng” để dạy trực tiếp đồng thời linh hoạt trong thực hiện chương trình dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu cốt lõi.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản trên cơ sở chương trình chung, ưu tiên giải dạy trực tiếp nếu có thể; cân nhắc về kiểm tra, đánh giá cho phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục