Nam Phi tiêm thuốc độc vào sừng để cứu loài tê giác

Hàng nghìn con tê giác đã được tiêm thuốc độc vào sừng với hy vọng sẽ tạo được sự khác biệt trong cuộc chiến cứu loài động vật này.

Chính phủ và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Nam Phi đã sử dụng các phương pháp từ tuần tra tới việc cắt sừng tê giác hay tiêm thuốc độc vào sừng tê giác, để khiến sừng loài động vật này không còn giá trị trên thị trường chợ đen.

Cho tới thời điểm này, hàng nghìn con tê giác đã được tiêm thuốc độc vào sừng với hy vọng sẽ tạo được sự khác biệt trong cuộc chiến cứu loài động vật quý hiếm này khỏi bị tuyệt chủng.

Các con tê giác sau khi được tiêm thuốc tê sẽ tê liệt. Sau đó, sừng của chúng được khoan một lỗ nhỏ để tiêm thuốc độc được nhuộm đỏ.

Chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã Lorinda Hern cho biết chất độc này an toàn đối với tê giác nhưng độc hại cho con người nếu sử dụng. Người sử dụng sừng tê giác ngấm chất độc có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong.

Ông Hern cho biết sau khi hoàn tất công việc, những con tê giác được tiêm thuốc tỉnh dậy tuy chếnh choáng nhưng không gặp nguy hiểm.

Các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã hy vọng sẽ cứu được hàng trăm con tê giác mỗi năm bằng cách làm cho sừng của chúng không còn giá trị gì đối với những kẻ săn lậu.

Nam Phi là nơi cư trú của hầu hết loài tê giác trắng trên thế giới. Nước này đang nỗ lực tìm cách để ngăn chặn nạn săn trộm tê giác đang ở mức báo động trong những năm gần đây. Tê giác bị săn lậu vì sừng của chúng có thể bán với giá hàng chục nghìn USD trên thị trường chợ đen ở châu Á.

Mặc dù các nhà khoa học khẳng định sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh, song tại nhiều nước châu Á, sừng tê giác vẫn được sử dụng trong y học cổ truyền. Tại một số nước Trung Đông, sừng tê giác được coi là biểu tượng của quyền lực và giàu sang./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục