Tiếng xe máy gầm rú cả ngày lẫn đêm, chở hàng chục can xăng dầu lao vun vút trên các tuyến đường khu vực biên giới qua tỉnh Tây Ninh.
Việc xuất lậu xăng dầu diễn ra gần như công khai, khiến một lượng rất lớn xăng dầu trong nước bị thất thoát. Nhưng các cơ quan chức năng, với rất nhiều lực lượng khác nhau, không ngăn chặn được, dù mọi chuyện diễn ra, ai cũng biết “rõ như ban ngày”?!
Những nẻo đường buôn lậu
Hiện nay, tại khu vực biên giới Tây Ninh, đặc biệt ở khu vực giáp ranh huyện Tân Biên và Tân Châu, tình hình xuất lậu xăng dầu diễn ra công khai, không kể giờ giấc. Khu vực tập trung nhiều nhất và là “điểm nóng xăng dầu” của tỉnh nằm ở đoạn vuông góc ngã 3 Xe Cháy: đoạn từ Trại giam Cây Cầy (xã Thạnh Bắc – huyện Tân Biên) trên đường ĐT 793 và đoạn từ ngã 3 Vạc Sa (xã Tân Hà, huyện Tân Châu) trên đường ĐT 792.
Trên tuyến đường này có rất nhiều những ngã rẽ vào đường đất đỏ chạy thẳng ra biên giới gần cửa khẩu Xa Mát (xã Tân Lập - huyện Tân Biên) và cửa khẩu Vạc Sa (xã Tân Hà - Tân Châu). Đây cũng chính là những tuyến đường vận chuyển chính để đưa xăng dầu qua biên giới.
Thông qua một người quen, chúng tôi “kết nối” được với B, người tự nhận mình sống bằng nhiều nghề, nhưng chủ yếu là buôn lậu để tìm hiểu cách thức, đường đi và những “vấn đề” đằng sau những chuyến xe. Hiện B. chuyên chở xăng dầu qua biên giới bán kiếm tiền chênh lệch và đã có “thâm niên” trong nghề.
Với kinh nghiệm của mình, B. hiện nay ít trực tiếp “chạy hàng”, mà chủ yếu ngồi chỉ đạo cho “đàn em” thực hiện. “Tao ngồi nhậu thì nhậu, chứ có thằng khác nó chở. Chỉ cần ngồi gọi điện thoại là xong. Tao bỏ tiền, bỏ xe, cho thằng khác nó chạy,” B. tự hào khoe.
Tất cả các vụ vận chuyển đều được thực hiện bằng xe máy. Loại xe “nhỏ”, máy yếu dành cho những người làm ăn nhỏ, đi vài ba can xăng dầu (loại can nhựa 30 lít) để kiếm sống. Trong khi xe máy loại lớn được dùng cho những “chuyên gia” xuất lậu xăng dầu. Hầu hết các xe máy loại lớn chuyên chở này đều “3 không”: không nhãn mác, không biển số, không dè bửng (vỏ xe). Những xe này được xoáy nòng, đôn ly, làm phuộc (4 phuộc sau), móc bô… để có thể vận chuyển với số lượng lớn, lên đến hơn 500 lít xăng dầu.
Về đối tượng buôn lậu, B. cho biết: "Nhiều lắm, toàn dân sống tại địa phương, "cả làng" buôn lậu luôn. Người chạy xe, người căn đường. Cứ chạy thẳng ra biên giới, vượt qua biên giới luôn, sẽ có người đợi sẵn để mua bán. Họ cũng làm như mình, cũng “bí mật” và quy trình giống mình. Tất cả cũng vì cuộc sống."
Việc rất nhiều người dân đua nhau đi chở xăng xuất lậu xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: lợi thuận thu được rất cao và thiếu đất sản xuất, không nghề nghiệp.
Tại khu vực này, chuyện xuất lậu xăng dầu diễn ra hàng ngày, nhưng thời điểm xe chạy nhiều nhất là từ 1 đến 6 giờ sáng và từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều. Đây là thời điểm vắng bóng các cơ quan chức năng. Với giá xăng dầu chênh lệch cao giữa Việt Nam và Campuchia, hiện lên tới khoảng 4.000 đồng/lít nên mỗi chuyến xuất lậu xăng dầu trót lọt (theo người trong nghề thì không khó), lợi nhuận thu được từ 100.000-300.000 đồng, tùy theo số lượng “hàng” vận chuyển.
Những người tham gia “đường dây” vận chuyển, mỗi lít xăng dầu lời 1.000 đồng, số tiền còn lại các “đầu nậu” hưởng.
Theo tính toán của B, nếu chở 1 chuyến xe được 10 can dầu (loại 30 lít), thì tiền lời chênh lệch thu được là 200.000 đồng. Số tiền này được phân chia thành các khoản: trả công cho người chở 40.000 đồng, 20.000 đồng tiền xăng xe, 20.000 đồng tiền “trạm” (hay còn gọi là tiền “luật”).
Số tiền công và xăng được trả theo ngày, còn tiền “trạm” được quy ra mỗi tháng; như vậy trung bình mỗi chuyến lời khoảng 120.000 đồng. Tỷ lệ tiền “trạm,” tiền công chở tỷ lệ thuận với số lượng vận chuyển. Tuy nhiên, với những người có “thâm niên,” có đường đi vững chắc thì mỗi chuyến vận chuyển 16 can xăng dầu, tiền lời thu được trên 200.000 đồng.
Đối với những người không có vốn, việc chạy thuê hàng ngày cho “chủ” thường kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, mọi chi phí khác chủ lo. Những người này làm công, nhưng “ăn chắc mặc bền.”
Nếu chuyến đi gặp trục trặc, bị “tóm” thì tiền vốn “chủ” chịu hoàn toàn, chỉ không được trả tiền công. Tuy nhiên, theo B, đây là việc “hiếm” xảy ra, vì “chủ” đã “lo” hết rồi?! Một người mỗi ngày có thể chở được 3-7 chuyến, tùy thuộc tình hình; nhưng có khi 2 ngày không đi chuyến nào.
Sở dĩ việc vận chuyển “hiếm khi” bị bắt là do "dân buôn" có một lực lượng cảnh giới khá đông đảo và báo hiệu cho “cả làng” khi có dấu hiệu bất thường.
Ngành chức năng “bó tay”
Trong khi dân buôn lậu xăng dầu số lượng lớn hoành hành thì cơ quan chức năng hầu như chỉ bắt được những vụ nhỏ chở 4-5 can xăng dầu.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các tuyến đường gần biên giới, dù đây là khu vực không nhiều người đi lại, nhưng số lượng các cây xăng không hề ít.
Tại khu vực Ngã 3 Xe Cháy (giáp ranh huyện Tân Biên và Tân Châu, sát biên giới), ít người qua lại, nhà dân thưa thớt, nhưng một đoạn đường ĐT 793 , ĐT 792 dài khoảng 6 - 7 km, lại có gần chục cây xăng dầu, hàng ngày tiêu thụ số lượng xăng dầu không hề nhỏ.
Trong mùa “làm ăn” này, gần các cây xăng luôn có cửa hàng bán rất nhiều can nhựa loại 30 lít. Bên cạnh đó, gần các cây xăng (như trạm xăng M.L - xã Tân Hà) luôn có một lực lượng xe máy đèo theo 10-16 can nhựa “nghỉ chân,” hòng chực chờ vào bơm xăng.
Các cây xăng không trực tiếp bơm xăng từ trụ vào can cho những người chuyên chở mà thực hiện rất nhiều mánh khóe hết sức tinh vi: xây dựng các nhà giả của dân phía sau cây xăng, sau đó bơm xăng đẩy ngược ra những căn nhà này để đưa vào can; cho xe tải, máy cày đến đổ xăng, sau đó chạy ra khu biên giới hoặc cánh đồng chiết ra các can nhựa để tiếp tục xuất lậu qua biên giới; bơm vào các bồn nước, rồi xả vào can… Và hầu như tất cả các cây xăng này đều nuôi chó bec-giê rất to, nên việc tiếp cận của các lực lượng chức năng rất khó khăn.
Việc theo dõi và bắt "tại trận" kẻ bơm xăng vào can nhựa thì khó, nhưng để phát hiện những kẻ vận chuyển xăng dầu lậu lại rất đơn giản. Ngồi cách xa khoảng 200m, chỉ cần nghe tiếng xe chạy là có thể biết chúng đến, đi đâu. Do xe được “độ” để chở nặng (đặc biệt là móc bô), nên tiếng máy rất lớn, đanh thép, hoàn toàn khác với xe thường. Đoạn đường vận chuyển không quá dài, nên những “đường đi, nước bước” của các đối tượng xuất lậu xăng dầu không khó để phát hiện. Nhưng việc xuất lậu vẫn diễn ra như ở những chỗ không người (?).
Tại khu vực Chàng Riệc, việc vận chuyển xăng lậu tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng chung quy lại có 2 “đường đi chính”: “đường” chở nhẹ và “đường” chở nặng. B. cho biết: “Tùy đường mà đi. Có “đường này” chỉ cho chở nhẹ, trong khi chở nặng “nó” (ám chỉ người trong cơ quan chức năng - PV) không cho vào. “Nó” có “luật,” xe chở nặng thì phải “đóng thuế.” Đôi khi 2 xe dầu cùng đi chung với nhau, cách nhau 50-100m, nhưng “nó” xắn ngang, bắt xe sau, hoặc chặn bắt riêng một mình xe trước. Đó không phải cái gì lạ, mà thành “luật” rồi. Thường những người đi 4-5 thùng là tự phát, nhỏ lẻ. Khi bị bắt thường mất trắng. Đôi khi cũng “xin tha” được.”
Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Thành viên Ban chỉ đạo 127 Tây Ninh cho biết: "Luật riêng thì không thể nói là có hay không. Nhưng việc trong các lực lượng chức năng có người tiêu cực là điều có thể xảy ra. Việc bắt được số lượng ít có thể do nhiều nguyên nhân. Các đối tượng vận chuyển khi bị truy đuổi, chúng giật một số dây khiến thùng xăng rơi xuống để cản đường, nên chỉ thu giữ được ít. Cơ quan chức năng truy đuổi cũng không dám quá quyết liệt, vì chúng chạy tốc độ cao, lại vận chuyển xăng dầu, nguy cơ cháy nổ rất cao."
Cần biện pháp mạnh hơn
Khu vực biên giới này thường có trên 5 cơ quan chức năng có thể bắt giữ, ngăn chặn xuất lậu xăng dầu: hải quan, biên phòng, công an xã, công an huyện, quản lý thị trường. Tuy nhiên, các đối tượng xuất lậu xăng dầu không hề sợ các cơ quan chức năng.
Ông Võ Thanh Phong thừa nhận hiện nay việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, không thể xử lý hình sự đối tượng này được, mà chỉ dùng biện pháp hành chính. Muốn xử lý hình sự phải bắt được “đầu nậu,” nhưng không tìm ra được?! Trong khi đó, nếu người dân vào sâu trong nội địa (cây xăng trong nội địa được bán vào can nhựa – PV) mua xăng vào can, nếu bắt được cũng chỉ lập biên bản rồi cho đi, không đủ chứng cứ xuất lậu xăng dầu.
Một nguyên nhân khác khiến cơ quan chức năng “nương nhẹ” bọn xuất lậu là “chiêu giả nghèo”. Do ở khu vực biên giới phần lớn người dân không có nghề nghiệp, đất đai trồng trọt không có nên họ thường đi buôn lậu.
Dọc tuyến đường ĐT 793 gần Ngã 3 Xe Cháy có rất nhiều hộ dân ở đây đang sống trong những căn nhà xập xệ, mái lá, nền đất nên đôi khi cán bộ “làm lơ” cho họ. Qua tìm hiểu, rất nhiều người làm nghề xuất lậu xăng dầu này có điều kiện kinh tế không thấp, nhưng họ luôn sống trong những căn nhà “thiếu trước, hụt sau”, nhà tường đất trét, mái tôn “pha” lá cây để dễ buôn lậu.
Chính B thừa nhận, “nhiều nhà nằm trong diện được xét xây nhà cho người nghèo, nhưng họ lại không nhận. Xây lên cái nhà thì khó đi buôn lậu lắm. Thà chôn tiền dưới đất chứ không xây nhà làm gì.”
Do “cảnh nghèo” nên nhiều khi bị bắt (thường là cơ quan chức năng tại địa phương), họ lại năn nỉ, rồi xin được cả xe lẫn hàng. Theo ông Võ Thanh Phong, các lực lượng tại địa phương như cấp xã là những người nắm rõ nhất đường đi, nước bước của kẻ buôn lậu, nhưng có thể đôi khi họ nương nhẹ để dân có thể kiếm kế sinh nhai. Đây cũng là điều gây khó khăn cho công tác phòng, chống buôn lậu. Để ngăn chặn được, cần phải tìm ra được kẻ đứng phía sau để truy cứu hình sự.
Như vậy, dù đối tượng buôn lậu có nhiều mánh khóe tinh vi, nhưng không phải là không thể phát hiện. Tuy nhiên trên thực tế các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, với những biện pháp quyết liệt hơn để chặn đứng dòng xăng đang chảy mạnh sang bên kia biên giới. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần có chỉ đạo bằng văn bản để địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện./.
Việc xuất lậu xăng dầu diễn ra gần như công khai, khiến một lượng rất lớn xăng dầu trong nước bị thất thoát. Nhưng các cơ quan chức năng, với rất nhiều lực lượng khác nhau, không ngăn chặn được, dù mọi chuyện diễn ra, ai cũng biết “rõ như ban ngày”?!
Những nẻo đường buôn lậu
Hiện nay, tại khu vực biên giới Tây Ninh, đặc biệt ở khu vực giáp ranh huyện Tân Biên và Tân Châu, tình hình xuất lậu xăng dầu diễn ra công khai, không kể giờ giấc. Khu vực tập trung nhiều nhất và là “điểm nóng xăng dầu” của tỉnh nằm ở đoạn vuông góc ngã 3 Xe Cháy: đoạn từ Trại giam Cây Cầy (xã Thạnh Bắc – huyện Tân Biên) trên đường ĐT 793 và đoạn từ ngã 3 Vạc Sa (xã Tân Hà, huyện Tân Châu) trên đường ĐT 792.
Trên tuyến đường này có rất nhiều những ngã rẽ vào đường đất đỏ chạy thẳng ra biên giới gần cửa khẩu Xa Mát (xã Tân Lập - huyện Tân Biên) và cửa khẩu Vạc Sa (xã Tân Hà - Tân Châu). Đây cũng chính là những tuyến đường vận chuyển chính để đưa xăng dầu qua biên giới.
Thông qua một người quen, chúng tôi “kết nối” được với B, người tự nhận mình sống bằng nhiều nghề, nhưng chủ yếu là buôn lậu để tìm hiểu cách thức, đường đi và những “vấn đề” đằng sau những chuyến xe. Hiện B. chuyên chở xăng dầu qua biên giới bán kiếm tiền chênh lệch và đã có “thâm niên” trong nghề.
Với kinh nghiệm của mình, B. hiện nay ít trực tiếp “chạy hàng”, mà chủ yếu ngồi chỉ đạo cho “đàn em” thực hiện. “Tao ngồi nhậu thì nhậu, chứ có thằng khác nó chở. Chỉ cần ngồi gọi điện thoại là xong. Tao bỏ tiền, bỏ xe, cho thằng khác nó chạy,” B. tự hào khoe.
Tất cả các vụ vận chuyển đều được thực hiện bằng xe máy. Loại xe “nhỏ”, máy yếu dành cho những người làm ăn nhỏ, đi vài ba can xăng dầu (loại can nhựa 30 lít) để kiếm sống. Trong khi xe máy loại lớn được dùng cho những “chuyên gia” xuất lậu xăng dầu. Hầu hết các xe máy loại lớn chuyên chở này đều “3 không”: không nhãn mác, không biển số, không dè bửng (vỏ xe). Những xe này được xoáy nòng, đôn ly, làm phuộc (4 phuộc sau), móc bô… để có thể vận chuyển với số lượng lớn, lên đến hơn 500 lít xăng dầu.
Về đối tượng buôn lậu, B. cho biết: "Nhiều lắm, toàn dân sống tại địa phương, "cả làng" buôn lậu luôn. Người chạy xe, người căn đường. Cứ chạy thẳng ra biên giới, vượt qua biên giới luôn, sẽ có người đợi sẵn để mua bán. Họ cũng làm như mình, cũng “bí mật” và quy trình giống mình. Tất cả cũng vì cuộc sống."
Việc rất nhiều người dân đua nhau đi chở xăng xuất lậu xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: lợi thuận thu được rất cao và thiếu đất sản xuất, không nghề nghiệp.
Tại khu vực này, chuyện xuất lậu xăng dầu diễn ra hàng ngày, nhưng thời điểm xe chạy nhiều nhất là từ 1 đến 6 giờ sáng và từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều. Đây là thời điểm vắng bóng các cơ quan chức năng. Với giá xăng dầu chênh lệch cao giữa Việt Nam và Campuchia, hiện lên tới khoảng 4.000 đồng/lít nên mỗi chuyến xuất lậu xăng dầu trót lọt (theo người trong nghề thì không khó), lợi nhuận thu được từ 100.000-300.000 đồng, tùy theo số lượng “hàng” vận chuyển.
Những người tham gia “đường dây” vận chuyển, mỗi lít xăng dầu lời 1.000 đồng, số tiền còn lại các “đầu nậu” hưởng.
Theo tính toán của B, nếu chở 1 chuyến xe được 10 can dầu (loại 30 lít), thì tiền lời chênh lệch thu được là 200.000 đồng. Số tiền này được phân chia thành các khoản: trả công cho người chở 40.000 đồng, 20.000 đồng tiền xăng xe, 20.000 đồng tiền “trạm” (hay còn gọi là tiền “luật”).
Số tiền công và xăng được trả theo ngày, còn tiền “trạm” được quy ra mỗi tháng; như vậy trung bình mỗi chuyến lời khoảng 120.000 đồng. Tỷ lệ tiền “trạm,” tiền công chở tỷ lệ thuận với số lượng vận chuyển. Tuy nhiên, với những người có “thâm niên,” có đường đi vững chắc thì mỗi chuyến vận chuyển 16 can xăng dầu, tiền lời thu được trên 200.000 đồng.
Đối với những người không có vốn, việc chạy thuê hàng ngày cho “chủ” thường kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, mọi chi phí khác chủ lo. Những người này làm công, nhưng “ăn chắc mặc bền.”
Nếu chuyến đi gặp trục trặc, bị “tóm” thì tiền vốn “chủ” chịu hoàn toàn, chỉ không được trả tiền công. Tuy nhiên, theo B, đây là việc “hiếm” xảy ra, vì “chủ” đã “lo” hết rồi?! Một người mỗi ngày có thể chở được 3-7 chuyến, tùy thuộc tình hình; nhưng có khi 2 ngày không đi chuyến nào.
Sở dĩ việc vận chuyển “hiếm khi” bị bắt là do "dân buôn" có một lực lượng cảnh giới khá đông đảo và báo hiệu cho “cả làng” khi có dấu hiệu bất thường.
Ngành chức năng “bó tay”
Trong khi dân buôn lậu xăng dầu số lượng lớn hoành hành thì cơ quan chức năng hầu như chỉ bắt được những vụ nhỏ chở 4-5 can xăng dầu.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các tuyến đường gần biên giới, dù đây là khu vực không nhiều người đi lại, nhưng số lượng các cây xăng không hề ít.
Tại khu vực Ngã 3 Xe Cháy (giáp ranh huyện Tân Biên và Tân Châu, sát biên giới), ít người qua lại, nhà dân thưa thớt, nhưng một đoạn đường ĐT 793 , ĐT 792 dài khoảng 6 - 7 km, lại có gần chục cây xăng dầu, hàng ngày tiêu thụ số lượng xăng dầu không hề nhỏ.
Trong mùa “làm ăn” này, gần các cây xăng luôn có cửa hàng bán rất nhiều can nhựa loại 30 lít. Bên cạnh đó, gần các cây xăng (như trạm xăng M.L - xã Tân Hà) luôn có một lực lượng xe máy đèo theo 10-16 can nhựa “nghỉ chân,” hòng chực chờ vào bơm xăng.
Các cây xăng không trực tiếp bơm xăng từ trụ vào can cho những người chuyên chở mà thực hiện rất nhiều mánh khóe hết sức tinh vi: xây dựng các nhà giả của dân phía sau cây xăng, sau đó bơm xăng đẩy ngược ra những căn nhà này để đưa vào can; cho xe tải, máy cày đến đổ xăng, sau đó chạy ra khu biên giới hoặc cánh đồng chiết ra các can nhựa để tiếp tục xuất lậu qua biên giới; bơm vào các bồn nước, rồi xả vào can… Và hầu như tất cả các cây xăng này đều nuôi chó bec-giê rất to, nên việc tiếp cận của các lực lượng chức năng rất khó khăn.
Việc theo dõi và bắt "tại trận" kẻ bơm xăng vào can nhựa thì khó, nhưng để phát hiện những kẻ vận chuyển xăng dầu lậu lại rất đơn giản. Ngồi cách xa khoảng 200m, chỉ cần nghe tiếng xe chạy là có thể biết chúng đến, đi đâu. Do xe được “độ” để chở nặng (đặc biệt là móc bô), nên tiếng máy rất lớn, đanh thép, hoàn toàn khác với xe thường. Đoạn đường vận chuyển không quá dài, nên những “đường đi, nước bước” của các đối tượng xuất lậu xăng dầu không khó để phát hiện. Nhưng việc xuất lậu vẫn diễn ra như ở những chỗ không người (?).
Tại khu vực Chàng Riệc, việc vận chuyển xăng lậu tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng chung quy lại có 2 “đường đi chính”: “đường” chở nhẹ và “đường” chở nặng. B. cho biết: “Tùy đường mà đi. Có “đường này” chỉ cho chở nhẹ, trong khi chở nặng “nó” (ám chỉ người trong cơ quan chức năng - PV) không cho vào. “Nó” có “luật,” xe chở nặng thì phải “đóng thuế.” Đôi khi 2 xe dầu cùng đi chung với nhau, cách nhau 50-100m, nhưng “nó” xắn ngang, bắt xe sau, hoặc chặn bắt riêng một mình xe trước. Đó không phải cái gì lạ, mà thành “luật” rồi. Thường những người đi 4-5 thùng là tự phát, nhỏ lẻ. Khi bị bắt thường mất trắng. Đôi khi cũng “xin tha” được.”
Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Thành viên Ban chỉ đạo 127 Tây Ninh cho biết: "Luật riêng thì không thể nói là có hay không. Nhưng việc trong các lực lượng chức năng có người tiêu cực là điều có thể xảy ra. Việc bắt được số lượng ít có thể do nhiều nguyên nhân. Các đối tượng vận chuyển khi bị truy đuổi, chúng giật một số dây khiến thùng xăng rơi xuống để cản đường, nên chỉ thu giữ được ít. Cơ quan chức năng truy đuổi cũng không dám quá quyết liệt, vì chúng chạy tốc độ cao, lại vận chuyển xăng dầu, nguy cơ cháy nổ rất cao."
Cần biện pháp mạnh hơn
Khu vực biên giới này thường có trên 5 cơ quan chức năng có thể bắt giữ, ngăn chặn xuất lậu xăng dầu: hải quan, biên phòng, công an xã, công an huyện, quản lý thị trường. Tuy nhiên, các đối tượng xuất lậu xăng dầu không hề sợ các cơ quan chức năng.
Ông Võ Thanh Phong thừa nhận hiện nay việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, không thể xử lý hình sự đối tượng này được, mà chỉ dùng biện pháp hành chính. Muốn xử lý hình sự phải bắt được “đầu nậu,” nhưng không tìm ra được?! Trong khi đó, nếu người dân vào sâu trong nội địa (cây xăng trong nội địa được bán vào can nhựa – PV) mua xăng vào can, nếu bắt được cũng chỉ lập biên bản rồi cho đi, không đủ chứng cứ xuất lậu xăng dầu.
Một nguyên nhân khác khiến cơ quan chức năng “nương nhẹ” bọn xuất lậu là “chiêu giả nghèo”. Do ở khu vực biên giới phần lớn người dân không có nghề nghiệp, đất đai trồng trọt không có nên họ thường đi buôn lậu.
Dọc tuyến đường ĐT 793 gần Ngã 3 Xe Cháy có rất nhiều hộ dân ở đây đang sống trong những căn nhà xập xệ, mái lá, nền đất nên đôi khi cán bộ “làm lơ” cho họ. Qua tìm hiểu, rất nhiều người làm nghề xuất lậu xăng dầu này có điều kiện kinh tế không thấp, nhưng họ luôn sống trong những căn nhà “thiếu trước, hụt sau”, nhà tường đất trét, mái tôn “pha” lá cây để dễ buôn lậu.
Chính B thừa nhận, “nhiều nhà nằm trong diện được xét xây nhà cho người nghèo, nhưng họ lại không nhận. Xây lên cái nhà thì khó đi buôn lậu lắm. Thà chôn tiền dưới đất chứ không xây nhà làm gì.”
Do “cảnh nghèo” nên nhiều khi bị bắt (thường là cơ quan chức năng tại địa phương), họ lại năn nỉ, rồi xin được cả xe lẫn hàng. Theo ông Võ Thanh Phong, các lực lượng tại địa phương như cấp xã là những người nắm rõ nhất đường đi, nước bước của kẻ buôn lậu, nhưng có thể đôi khi họ nương nhẹ để dân có thể kiếm kế sinh nhai. Đây cũng là điều gây khó khăn cho công tác phòng, chống buôn lậu. Để ngăn chặn được, cần phải tìm ra được kẻ đứng phía sau để truy cứu hình sự.
Như vậy, dù đối tượng buôn lậu có nhiều mánh khóe tinh vi, nhưng không phải là không thể phát hiện. Tuy nhiên trên thực tế các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, với những biện pháp quyết liệt hơn để chặn đứng dòng xăng đang chảy mạnh sang bên kia biên giới. Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần có chỉ đạo bằng văn bản để địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện./.
Vũ Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)