Ngày 25/12, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục rà soát, tìm kiếm nạn nhân dọc theo các khu vực bị ảnh hưởng bởi sóng thần ở eo biển Sunda.
Tuy nhiên, công tác tìm kiếm bị hạn chế do điều kiện trời tiếp tục mưa nhiều, việc tiếp cận đường bộ bị hư hại, bị đá và các chướng ngại vật khác chắn ngang. Mặc dù vậy, một số phương tiện và thiết bị hạng nặng đã được huy động đến khu vực này để dọn dẹp và hỗ trợ thông đường.
Tính đến tối 24/12, số người thiệt mạng đã lên tới 373 người, 1.459 người bị thương và vẫn còn 128 người mất tích. Ngoài con số thương vong, theo dữ liệu của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNPB), hiện có 5.665 người vẫn phải di dời.
Thiệt hại vật chất được ghi nhận do hậu quả của sóng thần bao gồm 681 đơn vị nhà ở bị hư hại, 69 đơn vị khách sạn và biệt thự bị hư hại, 420 đơn vị thuyền và tàu bị hư hỏng, 60 quầy hàng và các đơn vị cửa hàng bị hư hỏng, và hàng chục phương tiện bị hư hỏng.
Riêng khu vực bãi biển Anyer và Carita, nơi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tiếp cận thuộc huyện Serang của tỉnh Banten có 29 người chết, 62 người bị thương, 68 người mất tích và hơn 40 ngôi nhà bị hư hại. Hàng chục km bờ biển vốn xanh tươi mát mắt bởi màu xanh của cây cối và những nếp nhà của người dân, những biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng nay tan hoang, đổ nát…
Chúng tôi tìm đến bệnh viện Krakatau Cilegon, là một trong những cơ sở y tế tiếp nhận và chữa trị cho các nạn nhân, cách bờ biển Anyer của tỉnh Banten 50km về phía Jakarta.
[Bệnh viện quá tải sau đợt sóng thần xảy ra ở Indonesia]
Tiến sỹ Angela Lilian, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Krakatau ở Cilegon cho biết: “Tại bệnh viện này, chúng tôi đã tiếp nhận 121 nạn nhân. Sau khi sơ cứu và cấp thuốc, 48 nạn nhân bị thương nhẹ đã đc về gia đình, có một nạn nhân đã tử vong vì bị thương quá nặng, một số khác là khách du lịch nên đã xin chuyển đến các bệnh viện gần nhà họ. Hiện tại chúng tôi còn đang điều trị ở đây 57 bệnh nhân với nhiều chấn thương khác nhau."
Tiến sỹ Angela Lilian cho biết thêm, Bệnh viện Đa khoa Krakatau đủ điều kiện đáp ứng và tất cả các bác sỹ, nhân viên y tế cũng như các thiết bị đều đã được huy động để sẵn sàng chữa trị cho các nạn nhân sóng thần một cách tốt nhất.
Đang được điều trị tại khoa chấn thương vận động, nạn nhân Lalu Farhal cho biết: "Tôi cũng các đồng nghiệp tổ chức sự kiện họp mặt cuối tuần ở Banten, chúng tôi có 40 người, thật kinh hoàng sóng thần đã phá hỏng tất cả, tôi may mắn là chỉ bị thương và chuyển đến đây. Tôi cũng chưa biết hết thông tin về bạn bè của mình. Tôi cảm ơn đội ngũ y tế và bác sỹ tại đây, vì đang trong kỳ nghỉ nhưng vẫn sẵn sàng tận tình chữa trị và chăm sóc cho các bệnh nhân là nạn nhân của sóng thần."
Anh Ryandi, con trai của bệnh nhân Syanhputra cho biết “gia đình tôi đi thăm người nhà ở đó vào dịp cuối tuần, sóng thần ập đến, chúng tôi không biết trời đất gì nữa, sau đó tôi tìm thấy bố tôi bị thương và được đội cứu hộ đưa đến bệnh viện, còn mẹ và em gái tôi vẫn mất tích chưa có tin tức gì."
Các nạn nhân của cơn sóng thần Banten cũng được chuyển đến chữa trị tại các bệnh viện Puri Cinere, Depok, Tây Java, bệnh viện Farmawati, Prawiranegara… là những cơ sở y tế lân cận với khu vực bị thiên tai./.