Kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của mọi tổ chức, cơ quan. Đối với Kiểm toán Nhà nước, kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp càng có ý nghĩa quyết định uy tín, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.
Kiểm toán là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn sâu và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử. Chính vì vậy, mục tiêu chiến lược Kiểm toán Nhà nước là nỗ lực không ngừng nghỉ xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên “Công minh-chính trực-nghệ tinh-tâm sáng.”
Tăng cường kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát và lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia; xác lập trật tự, kỷ cương, bảo đảm tính minh bạch trong quản lý kinh tế tài chính.
Từ một cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã trở thành một cơ quan được Hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị cũng như trong khu vực và thế giới. Nhiệm vụ đặt ra cho Kiểm toán Nhà nước ngày càng nặng nề và to lớn, đòi hỏi cơ quan này không ngừng nỗ lực, đổi mới hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Kiểm toán Nhà nước cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, hình thành đội ngũ Kiểm toán viên Nhà nước: “Công minh-chính trực-nghệ tinh-tâm sáng.”
Trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành.
Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ”...
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, Kiểm toán Nhà nước đề cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi phân cấp. Bên cạnh đó, ngành đã sắp xếp, bố trí thành viên các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán phải công tâm, khách quan, công khai, dân chủ và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công việc.
Ngành kiểm toán cũng gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi phân cấp; sắp xếp, bố trí thành viên các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán phải công tâm, khách quan, công khai, dân chủ và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công việc.
Kiểm toán Nhà nước luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với công chức, kiểm toán viên, viên chức và người lao động vi phạm.
Ngoài ra, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình trước Tổng Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là công chức, kiểm toán viên trong thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm.
Mặt khác, ngành kiểm toán siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm soát chất lượng trong việc thực hiện Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi công vụ, nhất là hoạt động kiểm toán. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc chỉ đạo, quản lý và kiểm soát chất lượng hoạt động ở từng cấp kiểm soát chất lượng (Trưởng đoàn, tổ trưởng, kiểm toán viên và phòng Tổng hợp), thanh tra công vụ, giám sát đối với hoạt động của các đoàn kiểm toán thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân công; bám sát Kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt, tổ chức thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán trên tinh thần đổi mới hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng gắn trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị và trưởng các đoàn kiểm toán trong việc chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán và phê duyệt Kế hoạch kiểm toán chi tiết tại các đơn vị được kiểm toán; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chấp hành nội quy, kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp...
Trong 25 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, từng bước chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chức năng, nhiệm vụ và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân đối với Kiểm toán Nhà nước. Đội ngũ kiểm toán viên nhà nước hiện nay là tài sản lớn nhất của Kiểm toán Nhà nước, là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán cũng như uy tín của ngành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên cả ba mặt tâm lực, thể lực và trí lực với sự luận giải rõ ràng về cơ sở khoa học, sự cần thiết và giải pháp thực hiện đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Ngành tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.../.