Nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại Việt Nam

Trong công tác hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân ở 19 lượt tỉnh, thành phố.

Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đề ra tại Lễ tổng kết 5 năm hoạt động 2014-2019 của tổ chức này vào sáng 24/12 tại Hà Nội.

Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, mang tính bền vững cho nạn nhân bom mìn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nhấn mạnh, năm 2020 và những năm tiếp theo, tập trung nghiên cứu vận dụng các mô hình như hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, đồng thời, sẵn sàng xử lý việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn đột xuất do bom mìn trên các địa bàn.

Hội cũng tập trung khảo sát đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình “ngân hàng bò” mà tổ chức đã hỗ trợ những năm qua tại các địa phương.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và các tổ chức xã hội nhân đạo, từ thiện để mở rộng địa bàn hỗ trợ sinh kế, kết hợp khám chữa bệnh cho người nghèo, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, người tàn tật và các đối tượng chính sách tại các địa phương trọng điểm, vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa và khắc phục hậu qủa bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cũng như vận động tài trợ, quản lý sử dụng các nguồn vốn tài trợ.

Thông tin từ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho thấy, với số lượng ước tính khoảng 800.000 tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, tính mạng người dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có 62.163 người bị thương và 42.135 người chết do tại nạn bom mìn, vật nổ, hậu quả để lại là hết sức nặng nề.

Trước thực trạng số lượng nạn nhân bom mìn còn rất lớn và đời sống, sức khỏe, hoàn cảnh của nạn nhân còn nhiều khó khăn, trong 5 năm qua (2014-2019) Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã góp phần tích cực “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn - Vì cuộc sống bình yên và phát triển.”

Đáng chú ý, trong công tác hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn, tổ chức này đã tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân ở 19 lượt tỉnh, thành phố. Tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà gần 5.500 người. Trong đó có 240 gia đình nạn nhân được tặng bò giống.

Đặc biệt, sau khi hỗ trợ sinh kế, hội đã chỉ đạo các chi hội cử cán bộ có trình độ chuyên môn tương ứng và phối hợp với các địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sử dụng công cụ cho nạn nhân hoặc vận hành các công cụ được hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, được dư luận, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao về hoạt động nhân đạo của hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục