Trước những ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh.
Buổi tập huấn diễn ra trong hai ngày (21 và 22/10) theo hình thức trực tuyến tại 400 điểm cẩu trên toàn quốc.
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong bốn chuyên đề: Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.
Các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế cũng chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh. Ngoài ra, chương trình tập huấn cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.
[Cha mẹ lo lắng chất lượng giáo dục, sức khỏe con khi học trực tuyến]
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em học sinh trong thời gian không thể đến trường.
Theo bà, các em vừa trong giai đoạn chuyển biến tâm sinh lý, vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp, nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha, mất mẹ do dịch bệnh...
Trong khi đó, việc triển khai tư vấn tâm lý học đường còn gặp nhiều khó khăn khi ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. Điều này đặt ra vấn đề nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường, yêu cầu đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội phải có kiến thức sâu về lĩnh vực này.
Khẳng định việc tổ chức tập huấn tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh là rất cần thiết, bà Minh gửi lời tri ân sâu sắc đến những đóng góp của UNICEF trong việc phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nguồn lực trong hoạt động giáo dục đào tạo, đặc biệt là ủng hộ 1.500 máy tính bảng cho chương trình “Sóng và Máy tính cho em”./.