Ngày 12/10 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo “Quản lý lâm sàng bệnh Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng và bệnh truyền nhiễm mới nổi”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưỏng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh nhấn mạnh, Việt Nam luôn là điểm nóng đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ trở thành đại dịch. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục phải đối mặt với những dịch bệnh như SARS, cúm gia cầm H1N1, H5N1, sởi, tay chân miệng, và đang hiện hữu là sốt xuất huyết. Tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang có xu hướng gia tăng trở lại, ước tính 30% từ năm 2010.
Với hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bao phủ rộng khắp toàn quốc, người bệnh đã được tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, các cơ sở khám chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải, năng lực quản lý, chuyên môn trong việc thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi của các cơ sở khám chữa bệnh giữa các tuyến còn chênh lệch nhau khá lớn khiến cho các bệnh viện tuyến cuối càng liên tục phải đối mặt với tình trạng quá tải, nhất là trong các đợt dịch.
Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm luôn là ưu tiên của Bộ Y tế. Hàng loạt chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn nhằm thiết lập hệ thống, nâng cao năng lực cho Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Kiểm soát nhiễm khuẩn đã được ban hành như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Quy chế Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc năm 2008, Thông tư hướng dẫn Kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2009…
Để triển khai các văn bản chính sách, nhằm đạt mục tiêu đã cam kết tại Quy chế Y tế Quốc tế (IHR 2005) và Kế hoạch Quốc gia về giám sát dịch bệnh mới nổi ở châu Á-Thái Bình Dương (APSED 2014-2017), từ năm 2012, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tiến hành khảo sát đánh giá năng lực, nhu cầu về đào tạo huấn luyện quản lý lâm sàng nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, xây dựng tài liệu đào tạo, biên dịch tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và triển khai đào tạo thí điểm về quản lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện từ trung ương, tỉnh, thành phố đến các bệnh viện quận, huyện.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đánh giá về thực trạng, xác định định hướng công tác quản lý bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng và bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Việt Nam thời gian qua; nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong quản lý nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng ở Việt Nam. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, đơn vị về công tác diễn tập phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới nổi, cơ sở vật chất và nhân lực trong xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, tình hình nhân lực khoa truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc các tỉnh biện giới…/.