Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền nhân dân về văn hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, yếu tố đầu tiên Bình Phước cần quan tâm hơn nữa là phải thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa.
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền nhân dân về văn hóa ảnh 1Hơn 1.300 đạo biểu là lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia tham dự Hội nghị. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước diễn ra ngày 11/8. Đây là lần đầu tiên Bình Phước tổ chức Hội nghị Văn hóa với quy mô lớn, với sự tham dự của 13.000 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo ngành văn của của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, từ khi tỉnh được tái lập năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong quá trình phát triển.

[Tổng Bí thư: Đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu chấn hưng văn hóa]

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa VI, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Bình Phước có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 43 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 26 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa và là nơi “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới,” nằm ở vị trí điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai. Do đó, yếu tố đầu tiên Bình Phước cần quan tâm hơn nữa là phải thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền nhân dân về văn hóa ảnh 2Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Trên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011)...

Đại hội XIII của Đảng xác định khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa và dấu mốc quan trọng, làm nên những chiến công vang dội, trang sử vàng đi vào lịch sử dân tộc như Chiến thắng Đồng Xoài năm 1965, là nguồn cảm hứng để Nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác, phổ nhạc bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng; Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, giải phóng Lộc Ninh, là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng; Chiến thắng Chiến dịch đường 14 - Phước Long, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975…

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước đến vùng đất Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều với 41 thành phần dân tộc, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền.

Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng những phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng Bình Phước cần nhìn nhận những hạn chế trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Trong đó, tỉnh chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn phát triển văn hóa; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa.

Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ. Nguồn kinh phi đầu tư cho văn hóa chưa cao, còn dàn trải, chưa ngang tầm và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa gắn kết, khai thác tốt các giá trị văn hóa, tạo không gian cho văn hóa phát triển.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Tỉnh tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, sau hội nghị này, tỉnh Bình Phước sớm có chủ trương, giải pháp, đề án, kế hoạch cụ thể về lĩnh vực văn hóa để “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng,” “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội,” góp phần đưa tỉnh Bình Phước phát triển bứt phá, khát vọng vươn lên, sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục