Nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trong phát triển bền vững

Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Trên cơ sở đó, các báo cáo dự báo quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050,
Nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trong phát triển bền vững ảnh 1hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới,” ngày 10/2. (Ảnh: Vietnam+)

Nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế số nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Song trước yêu cầu về phát triển kinh tế bền vững, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên các nền tảng số phải có những giải pháp phù hợp, gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra tại hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới,” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức  ngày 10/2.

Lượng khí phát thải có thể giảm 30%-40%

Tại hội thảo, Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, dẫn chứng từ báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Trên cơ sở đó, các báo cáo dự báo quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ có những đóng góp quan trọng nhất.

[Thanh toán không tiền mặt vẫn “bùng nổ” sau đại dịch COVID-19]

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu tối ưu hóa về phát triển bền vững, lượng khí phát thải trong hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể, (từ 30%-40% so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trong phát triển bền vững ảnh 2

Theo ông Dương, để có thể theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số với các nước trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế-pháp lý và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về thương mại điện tử cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã từng bước được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ông Dương chỉ ra vẫn còn một rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam, như hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng...

“Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam,” ông Dương chia sẻ.

Phát triển hệ sinh thái số bền vững

Nhằm tăng vai trò của quản lý Nhà nước, bà Việt Anh cho biết Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử. Mặt khác, Bộ Công thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng vi phạm pháp luật

Về phát huy trách nhiệm phát triển bền vững trên nền tảng thương mại số, ông Dương cho rằng “kinh tế số, xã hội số không chỉ có người bán mà còn có cả người mua.”

Nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trong phát triển bền vững ảnh 3(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo đó, ông Dương cho rằng tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua. Trong số đó, các chính sách cần ưu tiên đến các vấn đề như xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến, ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, đặc biệt là ý thức về tiêu dùng bền vững.

Về điều này, bà Việt Anh cho biết nhằm giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, trong khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hoá vận chuyển và giao hàng.

Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có các giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.

Ngoài ra, bà Việt Anh chia sẻ thêm số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai.

Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Hoạt động này làm giảm tác động môi trường và dấu chân sinh thái của chất thải sản phẩm tiêu dùng.

“Nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu, do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp,” bà Việt Anh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Minh Tú-Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam, chia sẻ một số biện pháp về giảm thiểu và tái chế các vật liệu đóng gói hàng hóa.Lazada đã phát hành cuốn Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường.

Bà Tú cho biết cuốn cẩm nang đã đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hóa đúng quy chuẩn và hiệu quả nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục