Nâng cấp cửa khẩu Phước Tân, tạo thuận lợi giao thương với Campuchia

Năm 2017, tại cặp cửa khẩu Phước Tân-Bố Môn có gần 18.800 lượt người và 15.500 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua lại giao thương, mua bán, thăm thân.
Nâng cấp cửa khẩu Phước Tân, tạo thuận lợi giao thương với Campuchia ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân công bố khai trương cửa khẩu Phước Tân thành cửa khẩu chính. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Ngày 5/10, tại ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức công bố cửa khẩu Phước Tân thành cửa khẩu chính.

Cửa khẩu Phước Tân thuộc ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nằm trên tỉnh lộ 781 về hướng trung tâm huyện Châu Thành, kết nối với đường Cách mạng tháng Tám, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Đối diện Phước Tân là cửa khẩu chính Bố Môn thuộc ấp Via, xã Bố Môn, huyện Rùm Đua, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Phía Tây cửa khẩu này có Quốc lộ 13, kết nối với với các tuyến khác đi các tỉnh của các nước Campuchia, Thái Lan và Lào.

Vị trí địa lý cặp cửa khẩu Phước Tân-Bố Môn có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống giao thông thuận tiện, có điện lưới quốc gia. Đoạn biên giới cửa khẩu được phân giới, cắm mốc; an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực ổn định.

[Từ 7/7, Tây Ninh thu phí sử dụng hạ tầng ở cửa khẩu Chàng Riệc]

Việc xây dựng, nâng cấp cửa khẩu phụ Phước Tân thành cửa khẩu chính sẽ tạo điều kiện cho hai bên khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn lao động, phân bố lại dân cư, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp và nhân dân hai bên qua lại giao thương, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Theo ông Trang Văn Lý, Giám đốc Sở Ngoại vụ Tây Ninh, năm 2017 tại cặp cửa khẩu Phước Tân-Bố Môn có gần 18.800 lượt người và 15.500 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua lại giao thương, mua bán, thăm thân.

Riêng 8 tháng năm 2018 có hơn 19.200 lượt người và gần 17.200 lượt phương tiện qua lại cửa khẩu.

Dự báo 3 năm tới, khi cặp cửa khẩu chính thức thông thương, lượng người và phương tiện xuất nhập cảnh qua lại, giao lưu buôn bán sẽ tăng từ 30-50% so với hiện nay.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ông Phạm Văn Tân cho biết cửa khẩu phụ Phước Tân được nâng cấp lên cửa khẩu chính theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, hiện trên tuyến biên giới Tây Ninh có hai cửa khẩu quốc tế là Xa Mát, Mộc Bài; 3 cửa khẩu chính là Chàng Riệc, Phước Tân, Kà Tum và 11 cửa khẩu phụ.

Mới đây, Chính phủ cũng ra nghị quyết, quyết nghị phê duyệt chủ trương nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên) lên thành cửa khẩu quốc tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch đầu tư, nâng cấp cửa khẩu Phước Tân xứng tầm với cửa khẩu chính.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu cơ quan, đơn vị của tỉnh làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, cửa khẩu bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân hai nước trong hoạt động đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, thuận tiện, nhanh chóng và đúng quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục