Năng lượng và kinh tế là trọng tâm tranh cử ở Nhật

Chiến dịch vận động tranh cử vào Hạ viện của các chính đảng ở Nhật đã được khởi động với nội dung chính là năng lượng và kinh tế.
Chiến dịch vận động tranh cử vào Hạ viện của các chính đảng ở Nhật Bản đã được khởi động vào ngày 4/12 với nội dung chính tập trung vào vấn đề năng lượng và kinh tế, những vấn đề đang rất được cử tri quan tâm.

Tham gia tranh cử vào Hạ viện Nhật Bản lần này có khoảng 1.500 ứng cử viên thuộc 12 chính đảng, số ứng cử viên lớn nhất kể từ khi Nhật Bản áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ đối với các đơn vị bầu cử quy mô nhỏ năm 1996.

Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 16/12 tới diễn ra trong bối cảnh người dân Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của thảm họa động đất và sóng thần hồi năm ngoái, còn chính phủ chưa giải quyết được hậu quả cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Không phải tình cờ khi trong ngày đầu tiên của cuộc vận động tranh cử, lãnh đạo hai đảng lớn là đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền và đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) đều có mặt tại Fukushima.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihiko Noda của DPJ và ông Shinzo Abe của LDP đều coi hồ sơ năng lượng hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch vận động tranh cử. Ông Noda chủ trương từng bước từ bỏ năng lượng hạt nhân trước năm 2040. Ngược lại lãnh đạo LDP là ông Abe, từng giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn 2006-2007, lại hứa hẹn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện nguyên tử.

Năng lượng đang là bài toán nan giải với Nhật Bản. Khu vực sản xuất không còn có thể trông cậy vào năng lượng hạt nhân vốn bảo đảm đến 30% nhu cầu năng lượng quốc gia. Để khắc phục thiếu hụt về năng lượng hạt nhân, Nhật Bản phải nhập thêm dầu mỏ, khí đốt, than đá… khiến cán cân thương mại chịu nhiều sức ép.

Về vấn đề kinh tế, đúng một tháng trước ngày bầu cử, Tokyo cho biết GDP Nhật Bản giảm 0,9% trong quý 3 và tính cả năm, GDP dự kiến giảm tới 3,5% so với năm 2011. Trong bầu không khí khá ảm đạm đó, dư luận càng chú ý đến các ứng cử viên đề ra chính sách, giải pháp nào trong chiến dịch vận động tranh cử.

Từ ngày 15/11, ông Abe, sẽ trở lại ghế Thủ tướng nếu LDP giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tới, đưa ra kế hoạch bơm thêm 200.000 tỷ yen vào nền kinh tế cũng như huy động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) để "phục vụ mục tiêu tăng trưởng". Kế hoạch đó bị coi là quá táo bạo và kém thực tế khiến suốt một tuần sau đó đồng yen Nhật Bản liên tục mất giá.

Theo giới quan sát, nhiều biện pháp trong số những đề xướng của ông Abe sẽ khó có thể được thực hiện như chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ "vô điều kiện" cho tới khi lạm phát tăng lên mức 2-3%. Đồng thời nhà lãnh LDP này cũng muốn hạ lãi suất ngắn hạn xuống mức âm, buộc BoJ mua công trái phiếu của chính phủ để tài trợ các công trình xây dựng công cộng.

Giải pháp này bị chỉ trích vì dư luận cho rằng đây là một hình thức chính quyền buộc BoJ đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ các khoản nợ công của chính phủ. Hiện tổng nợ công của Nhật Bản đã lên tới 200% GDP. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là kế hoạch của một đảng phái trong chiến dịch vận động tranh cử. Thực tế, theo quy định của Hiến pháp Nhật Bản, BoJ hiện là một cơ quan độc lập với chính phủ.

Theo đánh giá của giới phân tích, GDP Nhật Bản giảm mạnh trong quý 3/2012 chủ yếu vì các thị trường châu Âu và Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng Nhật Bản với các ngành nghề bị tác động nhất là sản xuất ôtô và đồ điện tử.

Nhìn chung, tăng trưởng cả năm nay có thể vào khoảng 1,6%, mức "không đến nỗi nào" trong bối cảnh khó khăn kinh tế toàn cầu hiện nay và dân số Nhật Bản trên đà lão hóa. Đà tăng trưởng của Nhật Bản còn yếu kém và kinh tế nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, vào khả năng của khu vực đồng euro giải quyết khủng hoảng, vào kinh tế Mỹ và cả những động thái trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong năm 2012, chính quyền của Thủ tướng Noda đã thông qua hai gói kích cầu, trị giá 5 và 8,5 tỷ euro để tạo 120.000 công việc làm cho người dân và hy vọng đem lại một làn gió mới cho guồng máy kinh tế đang bị chững lại.

Nhưng kế hoạch đó chưa được như chờ đợi bởi quy mô kích cầu còn nhỏ cũng như tình trạng đồng yen liên tục tăng giá, gây trở ngại cho xuất khẩu. Đồng thời, hiện tượng giảm phát lại bùng lên, kéo theo những hậu quả tai hại như người tiêu dùng giảm chi, các doanh nghiệp tạm ngừng đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục