Thảo luận việc rút quân

NATO thảo luận kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan

Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ tập trung thảo luận ba chủ đề chính, trong đó có kế hoạch chuyển giao và rút quân khỏi Afghanistan.
Trong hai ngày 2 và 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Chicago (Mỹ).

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố cuộc họp đầu tiên trong năm 2012 này là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.

Theo chương trình nghị sự, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tập trung thảo luận ba chủ đề chính, đó là kế hoạch chuyển giao và rút quân khỏi Afghanistan; quyết định và chọn lựa những dự án ưu tiên nằm trong chính sách “Phòng thủ thông minh” của NATO được đưa ra trước bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính buộc các quốc gia thành viên phải cắt giảm ngân sách quốc phòng nhưng vẫn đảm bảo tăng cường an ninh; và xem xét lại những tiến triển trong quá trình cải cách NATO được đưa ra từ năm 2010.

Ông Rasmussen nhấn mạnh tiến trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Afghanistan đạt nhiều tiến bộ và sẽ hoàn tất đúng kế hoạch vào năm 2014.

Tuy nhiên, ông khẳng định các lực lượng của liên minh quân sự này sẽ không kết thúc sứ mệnh tại Afghanistan cho đến khi tiến trình chuyển giao hoàn tất vào cuối năm 2014.

NATO sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hồi tháng 11/2010 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) và cho đến thời điểm đó, vai trò của các lực lượng NATO sẽ chuyển dần từ chiến đấu sang hỗ trợ tùy thuộc vào an ninh và tình hình thực tế tại Afghanistan.

Ông Rasmussen cũng cho biết NATO sẽ thảo luận cách thức cho sự hiện diện của họ tại nước này sau năm 2014.

Về chính sách “Phòng thủ thông minh,” Tổng Thư ký NATO cho biết trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" hiện nay, để đảm bảo khả năng tài chính cho liên minh quân sự này là điều không dễ dàng. Mặc dù vậy, với chương trình "Phòng thủ thông minh," NATO có thể thực hiện được các kế hoạch của mình.

Không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO lại là một đề tài “nóng” nhất vì nó tác động lớn đến quan hệ NATO-Nga. Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, một nguồn tin ngoại giao cho biết NATO sẽ đặt Trung tâm chỉ huy hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu tại Ramstein, một căn cứ của NATO ở Đức.

Liên quan đến kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, ngày 2/2, hãng tin PA cho biết Chính phủ Anh đã thông báo kế hoạch sẽ rút bớt quân khỏi Afghanistan từ năm 2013 nhằm giảm vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến tại đây.

Tuy nhiên, thông báo của người phát ngôn của Thủ tướng Anh phủ nhận ý kiến cho rằng việc rút quân sẽ đồng nghĩa với việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền kiểm soát quân sự cho phía Afghanistan. Theo kế hoạch, các lực lượng vũ trang ở Afghanistan sẽ tiếp nhận vai trò này vào cuối năm 2013 ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết sứ mệnh quân sự của nước này ở Afghanistan sẽ kết thúc vào cuối năm 2014 và trong năm 2012, Anh sẽ rút 500 binh sỹ, giảm quân số Anh ở Afghanistan xuống còn 9.000 người.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới sau ngày họp đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Washington cũng muốn chuyển từ vai trò chiến đấu sang vai trò đào tạo, cố vấn và hỗ trợ vào cuối năm 2013, thời điểm các lực lượng an ninh của Afghanistan có thể sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu trên cả nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet cũng khẳng định lập trường của Paris sau tuyên bố của Tổng thống Nicolas Sarkozy hồi tuần trước rằng Pháp sẽ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại chiến trường Afghanistan vào cuối năm 2013.

Theo ông Longuet, hiện Pháp có 3.600 binh sỹ đóng tại Afghanistan. Pháp sẽ rút dần quân số khỏi chiến trường Nam Á này và chỉ để lại khoảng 400-500 chuyên gia quân sự sau năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục